Phòng chống lây nhiễm ký sinh trùng từ vật nuôi

Những năm gần đây, tình hình nhiễm ký sinh trùng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhất là liên quan đến các vật nuôi như chó, mèo có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chủ quan, chưa có ý thức phòng tránh hoặc không nhận biết được các dấu hiệu nhiễm bệnh.

Tiếp xúc gần với vật nuôi có nguy cơ nhiễm các loại giun sán -Ảnh: M.T

Tiếp xúc gần với vật nuôi có nguy cơ nhiễm các loại giun sán -Ảnh: M.T

Cách đây 2 năm, bà Lê Thị L. ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, cảm thấy khó chịu ở vùng mặt khi thường xuyên ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ. Hiện tượng này trước đó cũng đã xảy ra ở tay chân nhưng do nghĩ mình bị viêm da nên bà L. chỉ mua thuốc dị ứng uống. Khi tình trạng này lan ra ở vùng mặt, kèm triệu chứng đau đầu nhưng uống thuốc dị ứng không khỏi, bà mới đi khám da liễu. Tại đây, bác sĩ nghi ngờ bà có thể bị nhiễm ký sinh trùng từ vật nuôi nên khuyên đi xét nghiệm.

Nhân dịp vào Quy Nhơn thăm bà con, bà L. đã đến Viện ký sinh trùng Quy Nhơn kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà bị nhiễm ký sinh trùng, thể ấu trùng di chuyển hệ thần kinh. Đây là thể bệnh nguy hiểm hơn so với các thể khác vì các triệu chứng của thể này không đặc hiệu, mức độ biểu hiện phụ thuộc vào vị trí tổn thương ở hệ thần kinh như sốt, đau đầu, co giật. Phải mất mấy năm kiên trì điều trị, bà L. mới khỏi bệnh. Nguồn lây nhiễm, theo các bác sĩ, là do từ các con vật nuôi trong gia đình bà L. vì bà nuôi rất nhiều chó, mèo và thường xuyên gần gũi với chúng.

Các con vật nuôi như chó, mèo thường được người nuôi tiếp xúc hằng ngày. Chính việc tiếp xúc quá gần gũi với các con vật nuôi là nguyên nhân làm cho số bệnh nhân nhiễm giun đũa chó mèo gia tăng những năm gần đây. Con đường lây nhiễm của giun chó mèo rất đa dạng, có thể qua tiếp xúc trực tiếp, lây nhiễm vào nước uống, đồ ăn, thậm chí qua đường hít thở. Dù có uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cũng không tẩy được loại giun này mà phải điều trị theo lộ trình cụ thể.

Tùy vị trí khác nhau mà biểu hiện của người bệnh khác nhau, trong đó có một số biểu hiện rõ rệt là ngứa kéo dài, nổi mề đay, nốt ban do ấu trùng di chuyển dưới ra. Ngoài ra, người bệnh có thể bị đau bụng, đau đầu, sốt, tổn thương da... Khi ngứa, nhiều bệnh nhân nhầm tưởng mình bị viêm da, dị ứng... dẫn đến không điều trị đúng cách khiến bệnh kéo dài.

Theo Thạc sĩ Đào Thị Thanh Huyền, phụ trách Khoa Vi sinh Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, ngoài các nguyên nhân gây dị ứng có thể nghĩ đến như bệnh lý về gan, yếu tố tiếp xúc do thực phẩm, hóa chất, môi trường thì nguyên nhân gây ngứa da, dị ứng, mề đay thường gặp trong những năm gần đây là do bệnh ký sinh trùng gây ra. Từ đầu năm đến nay, BVĐK tỉnh đã thực hiện gần 1.700 lượt xét nghiệm các loại giun sán, tỉ lệ dương tính chung là 19%. Trong đó tỉ lệ dương tính cao nhất là nhiễm giun đũa chó, chiếm 48,5%, sán lá gan lớn 18,2%, sán máng 15,7%, sán dây lợn 13,8%, sán chó 7,9%, giun xoắn 6,9%, giun lươn 6,3%...

“Trước đây, một số người dân chưa nắm rõ thông tin, khi bị nhiễm giun sán chó mèo thường đến những đơn vị đặc thù như Viện ký sinh trùng Quy Nhơn hay Bệnh viện trung ương Huế để điều trị. Tuy nhiên, hiện nay BVĐK tỉnh đã thực hiện được tất cả các máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng, trong đó có cả giun sán chó mèo. Từ kết quả xét nghiệm đã giúp bác sĩ các khoa lâm sàng chẩn đoán chính xác, áp dụng phác đồ điều trị của Bộ Y tế với thuốc đặc hiệu tiêu diệt hết ấu trùng gây bệnh và triệu chứng kèm theo”, Ths Huyền cho biết.

Trên thực tế, nhiều người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về các bệnh do ký sinh trùng gây ra hoặc các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Vì thế, việc giáo dục cộng đồng về cách lây truyền và phòng chống ký sinh trùng rất quan trọng. Người dân cần tẩy giun định kỳ cho chó mèo; vệ sinh môi trường; ăn chín uống sôi; nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân chó mèo.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để phòng chống ký sinh trùng trong cơ thể thì việc xét nghiệm tầm soát rất quan trọng. Bệnh giun sán nếu được xét nghiệm điều trị kịp thời có thể khỏi hoàn toàn, nếu để lâu ngày sẽ gây biến chứng lên não gan, mắt, phổi... rất nguy hiểm. Việc điều trị khi chưa biết nguyên nhân sẽ khiến bệnh diễn biến nặng hơn và tái phát nhiều lần.

Đối với các loại thuốc xổ giun định kỳ 6 tháng/ lần chỉ tẩy được các loại giun đường ruột thông thường như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim...Còn trong trường hợp khi cơ thể mắc các loại ký sinh trùng trong máu thì phải xét nghiệm máu để chẩn đoán, xác định loại ký sinh trùng cụ thể, từ đó mới có phác đồ điều trị thích hợp.

“Hiện nay, xét nghiệm ký sinh trùng bằng kỹ thuật ELISA là phương pháp phổ biến nhất tại các cơ sở y tế. Khoa Vi Sinh đang sử dụng phương pháp này để chẩn đoán xác định các loại giun sán ký sinh trong cơ thể người. Vì vậy, nếu có bất cứ biểu hiện nào của bệnh giun sán, người dân hãy nhanh chóng đến bệnh viện xét nghiệm để có phương án điều trị kịp thời”, Ths. Đào Thị Thanh Huyền khuyến cáo.

Minh Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-chong-lay-nhiem-ky-sinh-trung-tu-vat-nuoi-187847.htm