Phòng chống rửa tiền trong giao dịch chuyển tiền điện tử

Từ đầu tháng 12-2023, nhiều quy định trong Thông tư số 09/2023/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 09) hướng dẫn một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền chính thức có hiệu lực.

Từ ngày 1-12-2023, khi giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền. Ảnh minh họa: Hải Quân

Từ ngày 1-12-2023, khi giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền. Ảnh minh họa: Hải Quân

Thông tư này quy định về tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; chế độ báo cáo giao dịch đáng ngờ; giao dịch chuyển tiền điện tử; chế độ báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử; hình thức và thời hạn báo cáo dữ liệu điện tử.

* Những trường hợp cần và không cần báo cáo

Một trong những quy định được quan tâm trong thông tư này đó là khi giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên, các tổ chức thuộc đối tượng báo cáo, phải báo cáo cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) các thông tin cá nhân tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử. Đối với giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế, giá trị từ 1 ngàn USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương cũng sẽ phải báo cáo cho NHNN.

Trách nhiệm báo cáo đối với các giao dịch chuyển khoản có giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương thuộc tổ chức tài chính tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử gồm: tổ chức tài chính khởi tạo là tổ chức khởi tạo lệnh chuyển tiền điện tử và thực hiện chuyển tiền thay mặt cho người khởi tạo; tổ chức tài chính trung gian là tổ chức nhận và chuyển lệnh chuyển tiền điện tử thay mặt cho tổ chức tài chính khởi tạo và tổ chức tài chính thụ hưởng hoặc thay mặt cho tổ chức tài chính trung gian khác; tổ chức tài chính thụ hưởng là tổ chức nhận lệnh chuyển tiền điện tử trực tiếp từ tổ chức tài chính khởi tạo hoặc thông qua tổ chức tài chính trung gian và thực hiện chi trả cho người thụ hưởng…

Đối tượng báo cáo phải gửi báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử trước 16 giờ ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày phát sinh giao dịch. Nếu ngày gửi báo cáo trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, hoặc ngày nghỉ cuối tuần thì ngày gửi báo cáo là ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, hoặc ngày nghỉ cuối tuần đó.

Thông tư số 09 cũng quy định rõ trường hợp cá nhân có giao dịch trên 500 triệu đồng nhưng không phải báo cáo với cơ quan nhà nước là người thụ hưởng trong giao dịch chuyển tiền điện từ quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài; người khởi tạo trong giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế từ nước ngoài về Việt Nam.

Cùng với đó, thông tư này cũng chỉ rõ các giao dịch chuyển tiền điện tử không cần phải báo cáo với cơ quan nhà nước gồm: giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ; giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.

Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng và ban hành thông tư này góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền và công tác phòng chống tội phạm, trong đó bao gồm tội phạm tham nhũng…

* Tăng cường kiểm tra, giám sát

Trên thực tế, nghiệp vụ phòng chống rửa tiền cũng được nhiều quốc gia có hệ thống tài chính phát triển như: Nhật Bản, Australia, Mỹ, Singapore… đặt ra từ hàng chục năm nay và nhiều tổ chức thậm chí có hiệp ước để cùng phối hợp.

Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, với xu hướng phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ cũng như phương thức, thủ đoạn tội phạm thực hiện các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố ngày càng trở nên tinh vi, thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình triển khai và có những văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các biện pháp ngăn ngừa hành vi tội phạm liên quan đến rửa tiền và các tội phạm khác để giảm thiểu rủi ro cho hoạt động ngân hàng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra trong trao đổi thông tin, kịp thời xử lý vụ việc.

Trong thời gian sắp tới, khi Thông tư 09/2023/TT-NHNN đã được triển khai thực hiện đồng bộ, chi nhánh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức là đối tượng thực hiện thông tư. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường tài chính trên địa bàn…

Bà Phạm Thanh Thúy (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết: “Trong bối cảnh công nghệ phát triển kéo theo là các hệ lụy liên quan đến lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là trong hoạt động chuyển tiền, giao dịch điện tử. Do đó các quy định mới về báo cáo giao dịch điện tử góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với giao dịch trên các nền tảng số, hạn chế hoạt động rửa tiền… Tôi mong rằng ngành ngân hàng, cơ quan chức năng cần có thêm những thông tin, hoạt động tuyên truyền một cách cụ thể, dễ hiễu về các đối tượng, thông tin, nội dung báo cáo, khai báo trong quy định mới này để người dân nắm bắt thông tin và thực hiện báo cáo khi chuyển tiền, giao dịch điện tử đúng quy định, minh bạch”.

Lam Phương

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/phong-chong-rua-tien-trong-giao-dich-chuyen-tien-dien-tu-c544266/