Phòng, chống sâu bệnh hại cây trồng
Nhằm giảm thiểu thiệt hại, nâng cao năng suất cây trồng, ngành nông nghiệp đã chủ động bám sát đồng ruộng để điều tra, dự tính, dự báo thời điểm sâu bệnh phát sinh của từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây trồng, giúp người dân chủ động các biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc bám sát đồng ruộng kiểm tra dịch bệnh trên cây lúa vụ xuân.
Tính đến ngày 20/2/2025, huyện Ngọc Lặc đã gieo trồng 10.200ha cây trồng vụ xuân. Trong đó, cây lúa 3.000ha, cây ngô 1.300ha, lạc 200ha, rau đậu các loại 750ha, cây trồng khác 4.950ha... Để bảo đảm năng suất cho cây trồng vụ xuân, ngay từ đầu vụ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sâu bệnh hại chính, nhất là bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng... Theo nhận định của trung tâm, bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông trên cây lúa sẽ xuất hiện từ cuối tháng 2, tiếp tục phát triển và gây hại vào giữa tháng 3, đầu tháng 4, sang cuối tháng 4 đầu tháng 5, bệnh phát triển lên cổ bông làm giảm năng suất lúa. Ông Nguyễn Đức Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Lặc, cho biết: Hàng tuần, hàng tháng, trung tâm gửi thông báo định kỳ về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh theo diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại để có hướng dẫn người dân cách phòng trừ kịp thời. Khi các đối tượng sâu bệnh hại chính đến ngưỡng phun trừ, trung tâm hướng dẫn người dân phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc 4 đúng. Đồng thời, khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện và phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên cây trồng, nhằm giảm thiểu đối đa thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra. Cùng với đó, người dân tập trung làm cỏ, bón phân cân đối, hợp lý đúng thời điểm, đảm bảo cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.
Tính đến ngày 20/2, toàn tỉnh đã gieo trồng vụ xuân được 156.197,1ha/189.000ha, đạt 82,6% kế hoạch. Trong đó, lúa 111.643,1ha; ngô 9.134,2ha; lạc 4.915,7ha; rau đậu 10.634ha; cây trồng khác 19.870,1ha... Theo nhận định của ngành nông nghiệp, vụ xuân năm 2025 thời tiết diễn biến phức tạp, nhuận 2 tháng 6 âm lịch, nên khí hậu có sự biến đổi khác biệt so với quy luật hàng năm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây trồng, hầu hết các cây trồng sinh trưởng chậm. Qua phân tích số liệu thu thập, điều tra đồng ruộng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong những năm gần đây, tình hình phát sinh, gây hại của sâu bệnh cũng có nhiều biến đổi. Một số sâu bệnh hại thông thường trên cây lúa, như: bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ và rầy nâu, rầy lưng trắng... diễn biến phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, có năm gây hại nặng, có năm gây hại rải rác. Thời gian phát sinh của đa số các loài sâu hại sớm hơn so với nhiều năm trước đây. Xu thế những côn trùng có kích thước nhỏ trở lại gây hại nhiều hơn trên tất cả các giống, nhất là giống lúa chất lượng cao. Cũng như trên cây lúa, sâu bệnh trên một số cây trồng khác cũng có nhiều biến đổi không theo quy luật.
Trước thực trạng trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, cơ cấu giống, lịch thời vụ làm cơ sở để dự tính, dự báo tình hình dịch hại trên các cây trồng trong tỉnh. Đồng thời, duy trì phân công cán bộ thường xuyên bám sát đồng ruộng, kiểm tra giám sát dịch hại ở các vùng trọng điểm, cùng với địa phương bảo vệ tốt các vụ sản xuất, không để dịch hại nặng trên diện rộng, đặc biệt đối với cây lúa, cây ngô, cây đậu tương và một số cây trồng chủ yếu khác. Hàng năm, chi cục phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức hướng dẫn, tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn kỹ thuật về công tác dự tính dự báo và công tác phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng, nguyên tắc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cán bộ làm công tác bảo vệ thực vật. Cùng với đó, hướng dẫn người dân ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), chương trình 3 giảm 3 tăng, ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), bón phân cân đối... giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế tác hại của sâu bệnh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phong-chong-sau-benh-hai-cay-trong-240653.htm