Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Cần nâng cao nhận thức cộng đồng

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, ước tính sơ bộ của Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí khám, chữa bệnh, tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108 ngàn tỷ đồng. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013, nhưng thực tế, việc thực thi luật còn chưa hiệu quả.

Tại các cơ quan, công sở, những nơi công cộng, kể cả trong bệnh viện, dù đã đặt nhiều biển báo “cấm hút thuốc lá”, tuy nhiên vẫn còn nhiều người hút thuốc lá công khai, thậm chí được coi là bình thường vì nhiều lý do. Nhiều người đến cơ sở y tế thăm khám, kiểm tra sức khỏe, nghe bác sĩ tư vấn mới biết trong số các nguyên nhân bị bệnh, có yếu tố do hút thuốc lá.

Không khó để bắt gặp người hút thuốc lá tại những nơi công cộng, nơi cấm và hạn chế hút thuốc lá

Không khó để bắt gặp người hút thuốc lá tại những nơi công cộng, nơi cấm và hạn chế hút thuốc lá

Anh Doanh Đức Cường ở thôn 4, xã Đường 10, huyện Bù Đăng hút thuốc lá hơn chục năm nay. Gần đây, anh cảm thấy thường xuyên bị tức ngực, đến Trung tâm Y tế huyện để khám sức khỏe thì được bác sĩ khuyên phải bỏ hút thuốc lá. Anh Cường cho biết: “Mỗi ngày tôi hút nửa gói thuốc, đó là chưa kể thường xuyên hút thuốc lào. Ban đầu tôi chỉ hút cho vui, không nghĩ là ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều. Nay được bác sĩ khuyên, tôi mới hiểu rõ những tác hại của thuốc lá. Tôi sẽ nghe theo lời bác sĩ vì sức khỏe của chính mình và người thân”.

Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Văn Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết, có khoảng 10-15% bệnh nhân nhập viện do hút thuốc lá. Thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch như: viêm phế quản mãn, siêu vi D, viêm phổi, tăng huyết áp, thiếu máu, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi, chảy máu não…

Còn theo Tiến sĩ Phạm Hoàng Xuân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 100% người hút thuốc lá sẽ bị ảnh hưởng đường hô hấp. Đầu tiên là viêm phế quản, từ cấp tính sang mãn tính, sau đó là hội chứng nặng hơn, bệnh nhân sẽ bị suy giảm hô hấp và có rất nhiều trường hợp dẫn tới tử vong.

Bình Phước không có cơ sở sản xuất, trồng cây thuốc lá nhưng tình trạng sử dụng thuốc lá rất đáng lo ngại. Dù các cấp, ngành của tỉnh đã tích cực vào cuộc, ban hành nhiều văn bản, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh… nhưng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, vẫn còn nhiều khó khăn trong thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong lần điều tra gần nhất của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế) trên địa bàn tỉnh tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trên 15 tuổi chiếm 50,1%, nữ giới là 49,9%. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc là 30,8%, tại trường học các cấp là 27,8% và tại nhà hàng lên tới 85,1%.

Để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đi vào thực chất, hơn lúc nào hết, công tác truyền thông, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ý thức của mỗi người, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác thực thi pháp luật… là các khâu then chốt. Qua đó, góp phần hạn chế bệnh tật, nâng cao sức khỏe cộng đồng, xây dựng môi trường sống an toàn, không khói thuốc, đảm bảo sức khỏe cho tất cả chúng ta.

Phạm Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/158264/phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-can-nang-cao-nhan-thuc-cong-dong