Phòng, chống tham nhũng: Quyết liệt và quyết tâm, kiên trì và kiên quyết

PTĐT - Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được các cấp ủy, tổ chức Đảng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm, quyết tâm tập trung đẩy mạnh.

Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Thọ ký kết quy chế phối hợp cung cấp thông tin tiền gửi ngân hàng liên quan đến các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Thọ ký kết quy chế phối hợp cung cấp thông tin tiền gửi ngân hàng liên quan đến các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Để đưa được những vụ án tham nhũng ra ánh sáng là cả quá trình nỗ lực của các lực lượng Công an, Thanh tra và sự nhiệt tâm của những người làm công tác PCTN. Qua các vụ việc được làm rõ và thực tế công tác PCTN cho thấy, đấu tranh với thứ “giặc nội xâm” này là cuộc đấu tranh liên tục, kéo dài, không dừng, không nghỉ, cần sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Kết quả bước đầu Là đơn vị “chủ công” trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, mở đầu câu chuyện với chúng tôi về thực hiện nhiệm vụ của mình, Thượng tá Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh chia sẻ: “Chỉ những người trong cuộc mới hiểu được tính chất khốc liệt của cuộc chiến “không tiếng súng”; đối mặt với tội phạm tham nhũng - những người có địa vị, quan hệ xã hội sẵn sàng gây khó dễ cho cơ quan điều tra. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh vững vàng, tuyệt đối tuân thủ theo sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng ủy Công an tỉnh và đoàn kết một lòng thì mới có thể giải quyết vụ việc”. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm

về kinh tế và buôn lậu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Giám đốc, luôn chủ động, phối hợp và hướng đẫn Công an các huyện, thành, thị tăng cường công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng. Từ năm 2017 đến nay, Công an toàn tỉnh đã phát hiện khởi tố 31 vụ với 53 bị can liên quan đến tội phạm tham nhũng, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 80 tỷ đồng. Trong các vụ việc đấu tranh làm rõ, nổi bật phải kể đến chuyên án 5 cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hạ Hòa phạm tội tham ô tài sản, gây thiệt hại trên 17 tỷ đồng; chuyên án 5 cán bộ ở các Chi cục thuế Yên Lập, Cẩm Khê, Phù Ninh bán hóa đơn khống cho các doanh nghiệp với doanh số 38 tỷ đồng để các doanh nghiệp kê khai tăng chi phí trốn thuế. Mới đây là vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra tại Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Việt Trì; vụ tham ô xảy ra tại UBND huyện Thanh Thủy được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đưa ra truy tố trước pháp luật, kịp thời chấn chỉnh lại trật tự quản lý tại các đơn vị.
Cùng với lực lượng cảnh sát điều tra, lực lượng làm công tác Thanh tra cũng thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, tuyên truyền pháp luật về Luật Khiếu nại tố cáo và Luật Phòng chống tham nhũng. Trong năm 2018, quý 1 năm 2019, Thanh tra tỉnh và thanh tra chuyên ngành ở các cơ quan, đơn vị đã phát hiện 1.476 đơn vị, tổ chức, cá nhân có vi phạm về sử dụng tài chính, ngân sách, sử dụng đất đai với số tiền trên 484 tỷ đồng; qua đó kiến nghị thu hồi cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng. Đồng chí Hoàng Quang Trung - Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh khẳng định: “Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về PCTN, hàng năm, Thanh tra tỉnh tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: Công tác tiếp công dân; kê khai tài sản cá nhân; công khai việc chi tiêu tài chính tại các đơn vị... Qua thực hiện nhiệm vụ của mình, lực lượng Thanh tra đã phát hiện những sơ hở, yếu kém, vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó đưa ra kiến nghị điều chỉnh những tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách trong quản lý tài chính, đồng thời đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm”. Cùng với thực hiện các biện pháp phòng ngừa của các cấp chính quyền, cấp ủy các cấp cũng thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên. Từ năm 2015 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2 tổ chức Đảng và 1.232 đảng viên, qua đó kịp thời ngăn chặn nhiều hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức Đảng đảng viên.

Các bị cáo trong phiên xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại BHXH huyện Phù Ninh.

Các bị cáo trong phiên xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại BHXH huyện Phù Ninh.

Khắc phục rào cản, đẩy mạnh đấu tranh

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Nhóm tội phạm về tham nhũng được quy định từ Điều 353 đến Điều 359, Bộ Luật hình sự năm 2015. Qua thực tế đấu tranh với loại tội phạm này, Thượng tá Bùi Quang Khoa - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh chia sẻ: “Tội phạm về tham nhũng là loại tội phạm “ẩn”. Hành vi cấu thành tội phạm diễn ra trong thời gian dài chứ không xảy ra tức thời như nhóm tội phạm về ma túy, giết người... Do vậy, việc đấu tranh với tội phạm này là hết sức khó khăn, đòi hỏi cơ quan cảnh sát điều tra phải có thời gian theo dõi, cộng với năng lực và kinh nghiệm của cảnh sát điều tra”. Đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của các cơ quan tiến hành tố tụng, đấu tranh với loại tội phạm tham nhũng hiện nay còn có nhiều bất cập. Do đối tượng phạm tội tham nhũng chủ yếu là cán bộ, đảng viên, có chức vụ, quyền hạn, nhưng theo Chỉ thị số 15/TW, ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị thì các cơ quan bảo vệ pháp luật không được áp dụng các biện pháp điều tra bí mật đối với cán bộ, đảng viên khi chưa có quyết định khởi tố. Hay một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng như: Thông tư số 02, ngày 4-4-2001 của Ngân hàng Nhà nước quy định “…Ngân hàng chỉ cung cấp tài liệu liên quan đến khách hàng khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án”; do vậy, rất khó khăn cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ đấu tranh với hành vi tham nhũng. Mặt khác các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình thanh tra, kiểm tra khi phát hiện cán bộ có hành vi tham nhũng sợ ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị, sợ liên đới trách nhiệm cá nhân nên chủ yếu xem xét xử lý nội bộ, từ đó cũng hạn chế đến công tác phòng ngừa tham nhũng. Một trong những lĩnh vực hay xảy ra hành vi tham nhũng là đầu tư xây dựng cơ bản. Các chủ đầu tư lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý của các cấp, thông đồng, móc ngoặc với các nhà thầu nâng khống dự toán thiết kế để trục lợi. Trong khi đó, các cơ quan giám định cho rằng, hành vi chiếm đoạt chỉ được coi là tội phạm sau khi quyết toán công trình xây dựng, do đó đối tượng vi phạm chủ động kéo dài thời gian không quyết toán công trình để che dấu hành vi vi phạm, trốn tránh pháp luật.Với những bất cập trên, để đấu tranh hiệu quả với tội phạm tham nhũng, các cơ quan tố tụng phải làm tốt công tác tham mưu, đưa ra các biện pháp chấn chỉnh lại công tác quản lý tài chính, ngân sách.Điển hình cho hiệu quả công tác tham mưu phải kể đến chuyên án 5 cán bộ ở các Chi cục thuế huyện Yên Lập, Cẩm Khê, Phù Ninh bán hóa đơn khống cho các doanh nghiệp. Hay việc bắt hàng loạt xe có biển ngoại giao trên địa bàn tỉnh trước đây, Công an tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu, từ đó Bộ Tài chính ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định đối với thủ tục tạm nhập khẩu, tái xuất, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ngoại giao gồm ô tô, xe máy của nhóm đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam nhằm siết chặt hơn nữa công tác quản lý xe ngoại giao, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng ngừa như: Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; kê khai tài sản cá nhân; công khai minh bạch chi tiêu tài chính ở các đơn vị. Cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường kiểm tra, giám sát trong Đảng, lựa chọn những người có phẩm chất, đạo đức giữ các chức vụ trong Đảng.Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm, tệ tham nhũng, không chỉ cơ quan cảnh sát điều tra mà cần sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân cùng tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn không ngừng học tập, nâng cao trình độ đạo đức cách mạng. Công việc này không phải một chốc, một lát mà phải “không dừng, không nghỉ” như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị sáng 21-3 đã chỉ rõ.

Quỳnh Chi

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/201906/phong-chong-tham-nhung-quyet-liet-va-quyet-tam-kien-tri-va-kien-quyet-165407