Phòng, chống thiên tai: Chủ động từ lực lượng xung kích cơ sở
PTĐT - Trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), lực lượng tại chỗ, trong đó đội xung kích ở cơ sở giữ vai trò nòng cốt để chủ động ứng phó với mọi tình huống ngay từ giờ đầu.
PTĐT - Trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), lực lượng tại chỗ, trong đó đội xung kích ở cơ sở giữ vai trò nòng cốt để chủ động ứng phó với mọi tình huống ngay từ giờ đầu. Tuần lễ Quốc gia về PCTT năm 2020 diễn ra từ ngày 15/5-22/5 với chủ đề “Phòng, chống thiên tai chủ động hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở” một lần nữa khẳng định vai trò trong cuộc chiến PCTT của lực lượng xung kích. Từ đó các địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng chú trọng việc xây dựng lực lượng xung kích tại cơ sở nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phú Thọ là tỉnh miền núi nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có 3 sông lớn là: Sông Lô, sông Thao, sông Đà; ngoài ra còn một số sông nhỏ và hệ thống ngòi, suối. Các sông, ngòi trên địa bàn có độ dốc cao, nước xô về nhanh gây lũ lớn, uy hiếp các tuyến đê xung yếu. Đồng thời, địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp xả lũ của Thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Tuyên Quang nên hai bên bờ sông thường xuyên bị sạt lở, đe dọa đến các công trình PCTT cũng như sản xuất và đời sống của nhân dân. Trên địa bàn hiện có trên 500km đê các loại, 461 cống dưới đê, trên 110km kè hộ chân, lát mái; 1.398 công trình hồ đập; 283 trạm bơm. Hằng năm, tỉnh Phú Thọ chịu ảnh hưởng nhiều mặt của thiên tai, gây thiệt hại về người, tài sản và hoa màu của nhân dân. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 đợt mưa giông, 4 đợt mưa đá... làm 1 người chết do lật thuyền, bị thương 20 người, tốc mái trên 8.000 nhà; ngập đổ gần 2.900ha lúa và hoa màu, sạt lở xảy ra ở một số địa phương… tổng giá trị thiệt hại ước tính 112 tỷ đồng. Để chủ động PCTT, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành, thị chủ động xây dựng các phương án PCTT và TKCN trên cơ sở phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị mình theo phương châm “4 tại chỗ”; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng bộ phận, địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư, thiết bị tại chỗ ứng phó với mọi tình huống; củng cố và duy trì hoạt động thường xuyên các đội xung kích PCTT; các sở, ngành liên quan kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN, xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ rủi ro; hiệp đồng hỗ trợ cho các huyện, thành, thị khi có yêu cầu.
Đặc biệt, việc thành lập các Đội xung kích PCTT (XKPCTT) được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo việc phản ứng nhanh trong PCTT. Thực hiện Luật PCTT, Nghị định 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ, Quyết định số 08 ngày 27/3/2020, ban hành hướng dẫn xây dựng và củng cố Đội XKPCTT cấp xã của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và TKCN; UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành kiện toàn Ban chỉ huy PCTT cấp xã và xây dựng, kiện toàn lực lượng XKPCTT phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định. Đến nay, hơn 200 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập, củng cố, duy trì hoạt động của Đội XKPCTT với hơn 15.000 người. Từ đầu năm đến nay, địa bàn huyện miền núi Tân Sơn chịu thiệt hại nặng nề sau những cơn giông lốc, trong đó Thu Ngạc là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn do cơn giông lốc đêm ngày 29/5 vừa qua đã làm 5 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn, 10 hộ bị tốc mái gây thiệt hại gần 500 triệu đồng. Ngay sau khi cơn giông lốc đi qua, lực lượng XKPCTT xã đã có mặt kịp thời để di rời các hộ dân đến nơi an toàn; hỗ trợ dọn dẹp, dựng lại nhà cho các gia đình… Ông Phùng Văn Định- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, Đội trưởng Đội XKPCTT xã Thu Ngạc cho biết: “Hàng năm, địa bàn Thu Ngạc thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và giông lốc gây thiệt hại cả về người và tài sản. Ngay từ đầu năm, UBND xã đã xây dựng phương án, kế hoạch về PCTT và TKCN, ban hành Quyết định về việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đội XKPCTT xã”. Theo đó, địa phương đã kiện toàn Đội XKPCTT gồm 90 thành viên. Ngoài những chức năng, nhiệm vụ chung theo quy định, lực lượng XKPCTT xã còn đảm nhiệm nhiệm vụ đặc thù của địa phương như: Thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và chỉ đạo của BCH xã đến từng hộ gia đình bằng mọi hình thức; hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho người già, trẻ em, chuẩn bị thức ăn dự trữ cho người và gia súc; ngăn chặn người dân bắt cá, vớt củi trên suối khi có lũ…Lực lượng XKPCTT cũng đang phát huy tính chủ động, hiệu quả trong công tác PCTT và TKCN tại các địa phương trong toàn tỉnh. Những ngày giữa tháng 8/2020, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, một số nơi trên địa bàn tỉnh đã có giông, lốc và mưa to kéo dài đã gây thiệt hại gần 500ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập, đổ. Tại huyện Cẩm Khê, mưa giông kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở mái ta luy tại xã Sơn Tình khiến ngôi nhà diện tích 80m2 của gia đình anh Trần Văn Hòa ở khu Gò Làng Trên bị đổ phần tường phía sau, hư hỏng một số đồ đạc, may mắn không thiệt hại về người. Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã huy động đội XKPCTT kịp thời có mặt, di dời người và tài sản của gia đình đến nơi an toàn. Ông Hà Đức Phương- Chủ tịch UBND xã Sơn Tình cho biết: “Đội XKPCTT xã được thành lập và kiện toàn hàng năm với hơn 50 thành viên. Trước thời điểm mưa bão xảy ra, đội XKPCTT đã được tập huấn nâng cao kiến thức về PCTT, kỹ thuật xử lý sự cố các công trình và trang bị một số kỹ năng xử lý tình huống như: Sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn, cứu đuối, sơ cấp cứu ban đầu… do đó khá chủ động, thành thục trong công tác PCTT cũng như TKCN”. Cùng với Sơn Tình, trên địa bàn huyện Cẩm Khê cũng đã thành lập, kiện toàn 70 tổ, đội XKPCTT với gần 1.800 thành viên hoạt động hiệu quả. Việc xây dựng, củng cố các đội XKPCTT ở cơ sở không chỉ phát huy tính hiệu quả trong công tác PCTT và TKCN mà hơn hết còn giúp các địa phương thực hiện nội dung tiêu chí “Bảo đảm đủ đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về PCTT tại chỗ” trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, để phát huy vai trò và duy trì bền vững Đội XKPCTT cấp xã cần có sự hỗ trợ kinh phí, cung cấp kiến thức, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn hàng năm, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong cộng đồng, đảm bảo bình yên cuộc sống nhân dân sau thiên tai…Theo ông Trần Quốc Bình- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy viên Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh, những năm gần đây thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường nên vai trò của lực lượng tại chỗ đặc biệt quan trọng để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời. Vì vậy BCH PCTT và TKCN các huyện, thành, thị cần chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí lực lượng xung kích và tạo điều kiện để lực lượng này hoạt động hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.