Phòng chống thiên tai chưa quan tâm đến nhu cầu cá nhân, riêng tư của phụ nữ, trẻ em gái
Thực tế hiện nay, lồng ghép giới trong phòng, chống thiên tai ở các cấp, địa phương mới chỉ dừng lại ở việc thống kê, phân tách các số liệu về giới; chưa thực sự chú ý các nhu cầu đặc trưng về giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong phòng chống thiên tai.
Việc lồng ghép giới trong phòng chống thiên tai ở nhiều địa phương mới chỉ dừng lại ở việc thống kê, phân tách các số liệu về giới. Ảnh minh họa: VGP
Ngày 17/4, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) tổ chức buổi tham vấn dự thảo "Tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào kế hoạch phòng chống tiên tai các cấp".
Ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, cho biết: Vấn đề bình đẳng giới đã được lồng ghép trong nhiều văn bản luật, trong đó có các văn bản luật về phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, vấn đề giới, bình đẳng giới trong phòng chống thiên tai mới dừng lại ở những chỉ đạo chung; còn việc thực thi ở các địa phương, triển khai cụ thể ra sao, hiệu quả thế nào lại chưa được chú ý tới.
Theo ông Bùi Quang Huy, thực tế cho thấy, trong các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai thời gian qua ở các cấp địa phương mới chỉ dừng lại ở việc thống kê, phân tách các số liệu về giới, nhu cầu nhu yếu phẩm của phụ nữ trong quá trình sơ tán, trú tránh bão. Còn những nhu cầu đặc trưng về giới vẫn chưa thực sự được quan tâm. Nguyên nhân có thế là do nhận thức hoặc nguồn lực ở cơ sở dành cho vấn đề này còn nhiều hạn chế.
Đại diện Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cho rằng, nhận thức về giới, vấn đề lồng ghép giới trong quá trình xây dựng kế hoạch, thực thi phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều khó khăn; đặc biệt là việc lồng ghép nội dung gì, các bước lồng ghép ra sao vẫn là khoảng trống ở cấp cơ sở.
Cùng với đó, vấn đề giám sát, chế tài để thực hiện các nội dung lồng ghép giới là cả quá trình lâu dài, theo đó, nếu áp đặt ngay các chỉ tiêu, yêu cầu về lồng ghép giới trong phòng chống thiên tai, nhưng nguồn lực thực hiện lại chưa đủ sẽ gây khó cho cán bộ thực thi ở cơ sở.
Vì vậy, theo đại diện Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, việc xây dựng "Tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào kế hoạch phòng chống tiên tai các cấp" cần thực hiện từng bước, đi vào thực chất và có ý nghĩa với hoạt động triển khai ở các địa phương. Trong đó tập trung nâng cao năng lực, nhận thức của các cán bộ ngay từ khâu xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, có tính khả thi cao trong triển khai thực hiện.
Bà Trần Thúy Anh, đại diện UN WOMEN, cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng nghiêm trọng, gây ra nhiều hậu quả nặng nề, thiệt hại về người và tài sản, khiến gia tăng khoảng cách giàu nghèo; đặc biệt là gây mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái trong quá trình phòng, chống thiên tai. Mặc dù trong các văn bản pháp luật về phòng, chống thiên tai đã có lồng ghép giới, tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Hiện nay vẫn chưa có tài liệu hướng dẫn, bộ công cụ dành cho cán bộ từ trung ương đến địa phương áp dụng thống nhất các nguyên tắc trong lồng ghép giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ, trẻ em trong phòng chống thiên tai.
Theo "Tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào kế hoạch phòng chống tiên tai các cấp", bạo lực trên cơ sở giới trong phòng chống thiên tai được hiểu là vấn đề an ninh, an toàn đối với nam giới, phụ nữ, trẻ em gái, và trẻ em trai, người khuyết tật, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số trong phòng chống thiên tai. Trong đó, các hoạt động, hành vi có thể xâm hại đến thể chất, tinh thần kinh tế, tình dục, tự do, cụ thể như: Hành động, hành vi bạo hành, lạm dụng hay quấy rối tình dục trong gia đình, trên đường đi tránh trú, tại điểm tránh trú thiên tai,...
Bên cạnh đó, cách thức tổ chức thực hiện phòng chống thiên tai có thể gián tiếp hoặc tạo điều kiện, cơ hội phát sinh các hành động, hành vi gây ảnh hưởng, tổn hại đến phụ nữ, trẻ em và nhóm dễ bị tổn thương. Ví dụ: Nhà vệ sinh chung nam, nữ, không có đèn chiếu sáng, ở xa nơi tránh trú thiên tai,...
Hoặc cách thức tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ như: Sơ tán, cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực, hàng hóa và tiền cứu trợ,… chưa quan tâm đến nhu cầu cá nhân, riêng tư của phụ nữ, trẻ em gái.
Đặc biệt, tình trạng quá đông đúc ở điểm sơ tán, tránh trú bão không đảm bảo an toàn, an ninh; Không phân tách nam/nữ, không có cửa/vách ngăn, không có khóa/chốt an toàn, ở xa nơi tránh trú, không có hệ thống chiếu sáng,....
Cùng với đó, Tài liệu cũng nêu rõ những yêu cầu về Lồng ghép giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào Kế hoạch phòng chống thiên tai, trong đó nhấn mạnh việc đảm bảo sự tham gia bình đẳng, hiệu quả của nam giới, phụ nữ; các cơ quan, tổ chức, đoàn thể đại diện cho phụ nữ, trẻ em trong quá trình lập kế hoạch, thực hiện và theo dõi giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai.
Các giải pháp phòng chống thiên tai cần đảm bảo an toàn, khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội thiết yếu như giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, nước sạch vệ sinh, bảo vệ, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; đồng thời đáp ứng nhu cầu khác biệt về tâm sinh lý và mối quan tâm hợp lý đặc trưng, khác biệt của mỗi giới…
Quy trình 3 bước lồng ghép giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào "Kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp":
Bước 1: Tổ chức cuộc họp định hướng về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai.
Bước 2: Xây dựng, kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực cho cơ quan, tổ chức, cán bộ trực tiếp/phối hợp xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai.
Bước 3: Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai có nội dung bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới theo trình tự quy định tại Điều 3, Thông tư 02, gồm: Rà soát, thu thập tài liệu, điều tra, khảo sát số liệu cơ bản về giới; xác định, đánh giá rủi ro và đề xuất giải pháp; xây dựng dự thảo kế hoạch phòng, chống thiên tai, lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan; ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai.