Phòng, chống thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Năm 2025, dự báo tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều đợt nắng nóng gay gắt, bão và áp thấp nhiệt đới, nhất là từ tháng 7 trở đi. Để ứng phó với thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động lớn như hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng và triển khai các phương án phòng, chống sát với thực tế.

Lực lượng quân đội, công an và dân quân tự vệ phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, khẩn trương ứng cứu, đưa người dân vùng ngập lụt đến nơi trú ẩn an toàn (Ảnh chụp lúc 8h ngày 9/9/2024).

Lực lượng quân đội, công an và dân quân tự vệ phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên, khẩn trương ứng cứu, đưa người dân vùng ngập lụt đến nơi trú ẩn an toàn (Ảnh chụp lúc 8h ngày 9/9/2024).

Nhìn lại năm 2024, chúng ta đã chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên và bất ngờ không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản mà còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Cơn bão số 3 (Yagi), được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên biển Đông và 70 năm qua trên đất liền, đã để lại hậu quả nghiêm trọng, khiến 12 người thiệt mạng, 4 người bị thương và tổng thiệt hại ước tính trên 970 tỷ đồng. Đặc biệt, với cường độ mạnh và thời gian kéo dài, bão Yagi đã gây mưa lớn, ngập lụt ở nhiều xã, phường và thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Chính vì sự bất ngờ và cực đoan của thời tiết nên công tác phòng chống thiên tai từ sớm, từ xa luôn phải đặt lên hàng đầu. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ngay khi Bộ Nông nghiệp và Môi trường có Chỉ thị số 02/CT-BNNMT về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình đê điều và thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2025, Thái Nguyên đã yêu cầu các ngành, địa phương triển khai nghiêm túc. Các phương án phòng chống thiên tai hiệu quả, đặc biệt là đối với những công trình thủy lợi, đê điều, nhằm bảo vệ an toàn cho các khu vực dân cư và các công trình kinh tế trọng điểm của tỉnh đã được các cấp, ngành chú trọng bảo vệ với phương án “4 tại chỗ” thống nhất từ cơ sở.

Ngành Nông nghiệp và Môi trường - đơn vị thường trực, chủ chốt trong tham mưu, triển khai công tác phòng chống thiên tai đã chủ trì các cuộc họp liên ngành để phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả trong công tác chỉ đạo và ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Đặc biệt, tâp trung kiểm tra các công trình thủy lợi, đê điều đang thi công và đã hoàn thành, nhằm đảm bảo an toàn và kịp thời phát hiện các sự cố tiềm ẩn. Chỉ đạo bộ phận chuyên môn chú trọng công tác duy trì, kiểm tra hệ thống cống dưới đê và các trạm bơm tiêu, cửa van. Ngoài ra, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước lớn cũng được vận hành thử để đảm bảo hoạt động an toàn trong mùa mưa, lũ. Qua rà soát cho thấy, các sự cố vận hành đê điều, trạm bơm… đã được khắc phục ngay sau mùa mưa bão năm 2024, đảm bảo khả năng phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại trong mùa thiên tai năm nay.

Các lực lượng công an, quân đội của tỉnh duy trì các lực lượng ứng cứu thường trực, sẵn sàng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, các đơn vị này đã tổ chức các buổi diễn tập phòng chống thiên tai, ứng phó khẩn cấp, giúp nâng cao năng lực phối hợp giữa các lực lượng và chuẩn bị đầy đủ phương tiện cần thiết.

Đối với các ngành liên quan như: Giáo dục - Đào tạo, Công Thương cũng đang tích cực phối hợp xây dựng kế hoạch ứng phó với các loại hình thiên tai như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất,... để đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Công tác tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai trong các trường học cũng đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh cho học sinh và giáo viên. Yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng phương án đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra tại các khu vực khai thác khoáng sản. Việc đảm bảo nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu trong suốt mùa mưa bão cũng được đảm bảo, giúp nhân dân có thể tiếp cận đầy đủ nhu yếu phẩm trong các tình huống khẩn cấp.

Với những nỗ lực và quyết liệt trong công tác phòng chống thiên tai, tỉnh Thái Nguyên đã từng bước xây dựng được hệ thống ứng phó linh hoạt. Tuy nhiên, để đối phó với những biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống thiên tai là rất quan trọng. Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời triển khai các giải pháp sáng tạo để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Minh Quân

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/theo-dong-thoi-su/202505/phong-chong-thien-tai-trong-boi-canh-bien-doi-khi-hau-2261aca/