Phòng, chống thuốc lá nhập lậu: Đồng bộ nhiều giải pháp

Mặc dù số vụ bắt giữ và số lượng thuốc lá lậu nhập vào Việt Nam bị tịch thu có giảm so với cùng kỳ năm 2023, song theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, 10 tháng năm 2024, các lực lượng chức năng của cả nước bắt giữ 7523 vụ, tịch thu 3.152.137 bao thuốc lá nhập lậu, tiêu hủy 1.414.351 bao thuốc lá giả. Dù các cơ quan chức năng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực, nhưng tình hình buôn lậu thuốc lá được nhìn nhận diễn biến phức tạp, đặc biệt vào các tháng cuối năm

Thuốc lá nhập lậu thu giữ lưu kho tại Đồn biên phòng cầu Muống, Đồng Tháp

Thuốc lá nhập lậu thu giữ lưu kho tại Đồn biên phòng cầu Muống, Đồng Tháp

Bài học từ sự phối hợp

Tại địa bàn An Giang, nơi từng là điểm nóng trước đây, Phó Cục trưởng quản lý thị trường (QLTT) An Giang Hà Thanh Hải cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT của tỉnh phát hiện, kiểm tra 9 vụ (giảm 40 vụ so với cùng kỳ); đã xử lý 8 vụ vi phạm đối với hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, tịch thu 1.088 bao thuốc lá điếu nhập lậu, trị giá trên 25 triệu đồng, phạt tiền 43,5 triệu đồng (giảm 155,5 triệu đồng so với cùng kỳ). Cục đã chuyển cơ quan điều tra một vụ việc để xử lý theo quy định pháp luật.

Lý giải về các vụ việc xử lý thuốc lá lậu giảm, lãnh đạo Cục QLTT An Giang cho biết, đó là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng tuyến đầu biên giới và các lực lượng trong nội địa. Đặc biệt tổ liên ngành của tỉnh tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới rất gắt gao, do đó hàng hóa lậu không thâm nhập được vào nội địa.

Thêm vào đó là quy định trách nhiệm, giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho từng lực lượng, như Ban Chỉ đạo 389, biên phòng, hải quan, công an kinh tế, QLTT… một cách rõ ràng, cụ thể.

Với diện tích trên 3.500 km2, An Giang có đường biên giới với Campuchia kéo dài 98 km. Tỉnh có 4 cửa khẩu, trong đó 2 cửa khẩu quốc gia, 2 cửa khẩu quốc tế. Hai bên biên giới cư dân tiếp xúc qua lại, giao thương với nhau thường xuyên, và các đối tượng xấu đã lợi dụng đặc điểm này để thuê người dân khuân vác, vận chuyển thuốc lá, pháo nổ, rượu ngoại...

Mặc dù hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã tương đối đầy đủ, các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống buôc lậu gian lận thương mại và hàng giả đã chặt chẽ, song theo ông Hải, có những thời điểm, đặc biệt chuẩn bị Tết, hoạt động buôn lậu các mặt hàng, trong đó có thuốc lá sẽ diễn biến phức tạp.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng cũng đa dạng và tinh vi: Vận chyển thuốc lá bằng xe máy và xuồng vỏ lãi, giấu trong hộc xe, để trước baga, chạy đêm, tốc độ cao; lợi dụng lúc lượng chức năng đi ăn trưa để chuyển hàng; trước đây vận chuyển 5-7 chiếc xe, mỗi xe 80 cây thuốc lá, thì nay vận chuyển 1-2 xe, mỗi xe 30-40 cây thuốc lá - điều này khó cho các lực lượng chức năng trong việc xử lý.

Trước các thách thức trên, các cơ quan chức năng của tỉnh, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 đã xây dựng quy chế hoạt động và quy chế phối hợp trách nhiệm các ngành để xử lý vi phạm về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và căn cứ vào đó các lực lượng triển khai thực hiện.

Đồng Tháp vững chốt từ đường biên

Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã không ngừng tăng cường quản lý khâu thẩm lậu thuốc lá từ biên giới, cũng như kiểm tra, kiểm soát bán lẻ thuốc lá trên thị trường nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng buôn bán thuốc lá ngoại nhập lậu.

Thiếu tá Nguyễn Danh Phong (Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, Đồn biên phòng được giao quản lý đường biên giới dài 17,626 km. Thời gian qua, đơn vị chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn lâu vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới nói riêng và thuốc lá nói chung.

Căn cứ vào Nghị định 03/2019 của Chính phủ, đơn vị xây dựng kế hoạch hàng tháng tập chung một số nội dung trọng tâm, như thường xuyên trao đổi tình hình công tác, phối hợp xây dựng lịch tuần tra kết hợp đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng theo ông Phong, thời điểm cuối năm, hoạt động của tội phạm buôn lậu trái phép hàng hóa qua biên giới, trong đó có mặt hàng thuốc lá dự báo sẽ diễn biến phức tạp, với thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, lợi dụng sơ hở của các lực lượng bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm để hoạt động.

Mặc dù quân số cũng như trang bị phương tiện cho lực lượng cơ bản đảm bảo, song theo ông Phong, có thời điểm, do cùng một lúc thực hiện nhiều công tác, lực lượng làm công tác phòng chống buôn lậu của đơn vị còn mỏng… nên chưa đáp ứng được yêu câu đặt ra trong tình hình mới.

Ngày 1/10/2024, Công an Đồng Tháp phát hiện bắt quả tang Nguyễn Văn Dẫn, cư trú xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang điều khiển vỏ lãi vận chuyển 5.590 bao thuốc lá nhập lậu theo hướng TP. Hồng Ngự về TP. Cao Lãnh

Ngày 1/10/2024, Công an Đồng Tháp phát hiện bắt quả tang Nguyễn Văn Dẫn, cư trú xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang điều khiển vỏ lãi vận chuyển 5.590 bao thuốc lá nhập lậu theo hướng TP. Hồng Ngự về TP. Cao Lãnh

Đa dạng các giải pháp để hạn chế thuốc lá nhập lậu

Thuốc lá lậu vào Việt Nam gây ra những thiệt hại nghiêm trọng không chỉ về kinh tế, mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương) cho biết, ước tính bình quân mỗi năm, ngân sách Nhà nước thất thoát khoảng 10.000 tỷ đồng do buôn lậu thuốc lá gây ra.

Tại cuộc tọa đàm vào ngày 19/11 vừa qua, khi nói về công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá, Thượng tá Lê Thiện Thành, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn điều tra (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đánh giá: Buôn lậu, nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ vào Việt Nam vẫn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội.

Điều này gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Thượng tá Lê Thiện Thành kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP để ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu.

Đặc biệt, củng cố cơ sở pháp lý trong công tác phòng, chống buôn lậu, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hợp pháp tồn tại.

Còn theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cần xem xét thấu đáo quan hệ giữa việc tăng thuế "sốc" với việc tăng "sốc" thuốc lá nhập lậu, đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong vấn đề này.

Thực tiễn các quốc gia đã chứng minh, khi mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng sẽ làm gia tăng hàng nhập lậu đối với hầu hết các loại hàng hóa. Tùy vào điều kiện cụ thể của mỗi nước mà mức gia tăng hàng nhập lậu có sự khác nhau.

Chia sẻ vấn đề này, ông Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, năm 2016, chúng ta tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá và số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao năm 2017.

Tương tự, năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao năm 2019 lên hơn 5,1 triệu bao năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao năm 2021.

Việc tăng thuế tất nhiên không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tăng thuốc lậu. Tuy nhiên, khi suy xét lại các cột mốc kể trên, ông Tráng A Dương nhận định, có thể thấy tăng thuế là một trong số những yếu tố dẫn đến gia tăng thuốc lá lậu, do vậy ông Dương cho rằng nếu tăng thuế theo lộ trình phù hợp sẽ giảm nguy cơ gia tăng buôn bán thuốc lá lậu.

Thuốc lá nhập lậu ở Việt Nam là vấn đề nhức nhối trong nhiều thập kỷ qua, xuất phát từ đặc thù phức tạp về cư trú và địa hình với đường biên giới dài, nhiều sản phẩm thuốc lá lậu rất dễ mua và được người tiêu dùng quen sử dụng.

Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có lộ trình, chính sách thuế hợp lý, phù hợp thực tiễn, trong đó chủ động thực hiện hài hòa các mục tiêu của Chính phủ đặt ra cũng như hạn chế người dùng và hạn chế được nguy cơ thẩm lậu gây thiệt hại ngân sách Nhà nước do chênh lệch về giá quá cao.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phong-chong-thuoc-la-nhap-lau-dong-bo-nhieu-giai-phap-5029516.html