Phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em: Nhân rộng các mô hình hỗ trợ
Thời gian qua, hoạt động của tội phạm mua bán trẻ em ở Việt Nam nói chung, ở khu vực biên giới nói riêng luôn diễn biến phức tạp. Để giảm thiểu nạn mua bán người, cần nhân rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế.
Không tiền con sơ sinh cũng bán
Chỉ cần gõ từ khóa “Hội nhóm cho-nhận con nuôi” trên thanh công cụ tìm kiếm của Facebook sẽ xuất hiện hàng chục nhóm, trong đó có nhóm lên đến gần 20.000 thành viên. Tội phạm mua bán người trà trộn vào những nhóm này, dùng thủ đoạn môi giới cho-nhận con nuôi, mang thai hộ nhằm lừa gạt, mua bán trẻ em, trẻ sơ sinh hoặc đưa phụ nữ có thai sang nước ngoài sinh con, sau đó mua bán trẻ sơ sinh.
Từ các hội, nhóm này, lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp với các cơ quan chức năng tìm ra manh mối nhiều đường dây mua bán trẻ sơ sinh qua biên giới. Các đối tượng này đã lợi dụng những trẻ em, phụ nữ nhẹ dạ trong độ tuổi từ 16 đến 28, nhận thức xã hội và pháp luật hạn chế, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, một số muốn có việc làm thu nhập cao, muốn lấy chồng nước ngoài... để thực hiện hành vi mua bán người.
Gần đây, sau khi tiếp nhận đơn tố giác của em Phàn Thị H. (dân tộc Dao, SN 2005, trú tại xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, Hà Giang) bị lừa bán sang Trung Quốc từ tháng 1.2019, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Bạch Đích, Bộ đội biên phòng Hà Giang đã xác định, bắt giữ Mua Mi Tủa (Tủa nói với em H. tên mình là Mua Mí Sính, dân tộc Mông, SN 2003 và Thào Thị Mua (dân tộc Mông, SN 2005, cùng trú tại xã Phú Lũng).
Theo lời khai của Tủa và Mua, năm 2017, Mua bị Tủa đưa sang Trung Quốc bán với giá 10 vạn NDT. Năm 2018, M trốn về Việt Nam, sau đó gia đình Mua gặp Tủa đòi tiền bồi thường, Tủa đưa cho gia đình Mua 12 vạn NDT (tương đương 360 triệu đồng). Khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019, Tủa rủ Mua tìm người để bán sang Trung Quốc, cả hai bàn nhau, lừa đưa chị H. qua khu vực Mốc 359 bán cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 5 vạn NDT, Tủa chia cho Mua 2 vạn NDT, còn Tủa cầm 3 vạn NDT. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, ngày 16.1.2022, Đồn Biên phòng Bạch Đích đã bàn giao vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để tiếp tục điều tra làm rõ. Đối với trường hợp Thào Thị Mua, thời điểm gây án chưa đủ 14 tuổi nên không áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, Đồn đã bàn giao M cho gia đình để giáo dục, quản lý.
Hỗ trợ phát triển sinh kế
Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện cho biết, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa tương thích với luật pháp quốc tế về khái niệm “mua bán người”, xác định độ tuổi nạn nhân là trẻ em và các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Ngoài ra, việc phát hiện và triệt phá tận gốc các đường dây mua bán người gặp khó khăn do đối tượng, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội cả trong và ngoài nước. Trong đó, các đối tượng cầm đầu thường không lộ diện và chủ yếu dùng điện thoại, mạng xã hội để chỉ đạo, điều hành. Các đối tượng đưa dẫn nạn nhân chủ yếu là dân bản địa, rất thông thạo địa bàn, nắm được quy luật hoạt động của lực lượng chức năng, có kinh nghiệm lợi dụng địa hình hiểm trở để đưa nạn nhân qua biên giới. Bên cạnh đó, thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán người nói chung, trẻ em nói riêng cho thấy, hoạt động điều tra tội phạm và giải cứu nạn nhân người Việt Nam ở nước ngoài gặp trở ngại nhất định do quy định pháp luật của nước sở tại, trong khi đó, một số nạn nhân bị khai khống tuổi, làm giả hồ sơ.
Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm cho biết: Cùng với công tác đấu tranh với tội phạm, lực lượng BĐBP đang đẩy mạnh tuyên truyền cho đồng bào khu vực biên giới về phòng, chống mua bán người; vận động người dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm; phối hợp tổ chức gặp gỡ các nạn nhân bị mua bán trở về để tư vấn, động viên, giúp đỡ hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Tại địa bàn biên giới phía Bắc, các đơn vị thuộc Quân khu 2, Quân khu 1... đã triển khai thực hiện hiệu quả chương trình tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn, với trên 200 mô hình, sáng kiến “Dân vận khéo” thiết thực, hiệu quả như: “Con nuôi đội sản xuất”, “Bữa cơm tình thương” của các Đoàn Kinh tế-Quốc phòng; “Tổ chức cho già làng, trưởng bản, người có uy tín đi tham quan mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình”; “Hũ gạo nâng bước em đến trường – chấp cánh tương lai”, “Cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững”… Các mô hình này đã góp phần nâng cao dân trí, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng biên giới, xây dựng địa bàn lành mạnh, làm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh các loại tội phạm. Từ thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm buôn bán người nói chung và trẻ em nói riêng cho thấy, việc hỗ trợ sinh kế, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn đóng một vai trò quan trọng, bởi đa phần tội phạm này đều xuất phát từ khó khăn trong cuộc sống.