Phòng, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo
Ngày 6/11, tại Hà Nội, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị tập huấn những nội dung cơ bản của Công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho báo cáo viên pháp luật Trung ương.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Uông Ngọc Thuẩn cho biết, Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1984 và để ngỏ cho các nước tự do ký kết, có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Đây là một trong 7 Công ước cốt lõi về nhân quyền của Liên hợp quốc, với sự tham gia của 166 quốc gia thành viên. Công ước quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải ghi nhận bằng pháp luật quyền không bị tra tấn của mọi công dân; nghiêm cấm hành vi tra tấn và phải quy định tra tấn là một tội phạm, bị xét xử với chế tài nghiêm khắc nhằm răn đe, ngăn ngừa hành vi tra tấn, bảo vệ tính mạng, danh dự và nhân phẩm của con người.
Trước khi tham gia Công ước Chống tra tấn, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối cơ bản và đầy đủ cơ chế bảo đảm quyền không bị tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc bị hạ nhục. Nội dung quy định của pháp luật về phòng, chống tra tấn được quan tâm tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chống tra tấn, nhục hình, ép cung đã được tiến hành tương đối bài bản trong lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân, những người làm công tác điều tra, thi hành án hình sự, hỗ trợ tư pháp, quản chế phạm nhân. Hàng năm, các ngành Công an, Quân đội, Tòa án, Kiểm sát đều tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp liên quan đến chống tra tấn trong toàn ngành, lực lượng.
Bảo vệ quyền con người, trong đó có đấu tranh phòng, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người góp phần tạo điều kiện để con người Việt Nam được phát triển toàn diện trong tự do, hòa bình là tôn chỉ, mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới. Đây cũng là lý do ngày 28/11/2014, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Để đảm bảo việc tổ chức thực hiện Công ước Chống tra tấn được hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn tại Việt Nam nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước Chống tra tấn; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về các tội danh liên quan đến các hành vi tra tấn trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) phù hợp với nội dung định nghĩa tra tấn của Công ước; … để đảm bảo tốt hơn quyền con người và phù hợp hơn với yêu cầu của Công ước chống tra tấn.