Phòng, chống xâm hại trẻ em-việc không của riêng ai
Mới đây, trong Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã khẳng định, việc bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em là công việc không của riêng ai, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Là một phụ huynh có hai con nhỏ đang trong độ tuổi thanh thiếu niên, tôi rất tâm đắc với ý kiến này của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Trẻ em như búp trên cành! Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách pháp luật tạo hành lang pháp lý để bảo vệ trẻ em. Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh. Việt Nam hiện có nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức làm công tác bảo vệ, chăm lo cho trẻ em. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận, xử lý nhiều vụ việc nóng, nghiêm trọng liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp hơn, như: Xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lạm dụng trẻ em vào một số hoạt động trái pháp luật… Các hành vi xâm hại trẻ em để lại hậu quả rất nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài cho trẻ em cả về thể chất và tinh thần, cũng như cho gia đình và xã hội.
Để giảm thiểu tiến tới ngăn chặn hoàn toàn các hành vi, thủ đoạn xâm hại trẻ em, ngoài việc tạo một hành lang pháp lý vững chắc, rất cần sự phối hợp cụ thể, đồng bộ của các tổ chức chính trị-xã hội, của gia đình, nhà trường và mỗi người dân.
"Chung tay" trong công tác bảo vệ trẻ em cần phải được tiến hành đồng bộ, không chỉ ở một gia đình, một địa phương trong một thời điểm nhất định mà phải xuyên suốt, rộng khắp. Có như thế, trẻ mới thực sự được sống trong một môi trường an toàn, thân thiện, để phát triển toàn diện, là những "mầm non tương lai" khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.