Phòng đuối nước ở trẻ em: Đừng để phải nói 'giá như...' khi đã quá muộn
Những ngày qua do ảnh hưởng của mưa bão, mực nước tại các sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Phước không ngừng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước nguy hiểm cho trẻ em.
Những vụ việc đau lòng
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, trong mùa mưa bão, nhiều khu vực nước sâu thuộc huyện Bù Đốp, Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) được cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Tuy nhiên, khi không có sự giám sát của người lớn, trẻ em vẫn rủ nhau bơi lội, nô đùa ở khu vực có nước sâu. Từ đó, nhiều vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Ga (ngụ xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) bày tỏ quan điểm: "Khi sinh sống ở những địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn đuối nước, thì trước hết người lớn phải có ý thức quản lý, quan tâm đến con em mình.
Đặc biệt là những thời điểm mưa lũ. Nếu cứ chủ quan, lơ là, để các cháu tự do chơi ở vùng ao hồ, sông nước thì rất nguy hiểm. Lúc xảy ra chuyện lại "giá như... thì đã muộn".
Thông tin tới PV, ông Hà Trung Tuấn, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi cho biết, thời gian qua trên địa bàn xã đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm, khiến 2 cháu nhỏ mới 10 tuổi chết đuối tại đập nước.
Đây là vụ việc đau lòng và đáng tiếc. Các cháu nhỏ thường chưa ý thức được hết sự nguy hiểm của những nơi nước sâu như sông, hồ, ao,... Bởi vậy, người lớn cần phải thường xuyên nhắc nhở các cháu, tránh chơi ở những nơi có nước, không có người lớn giám sát.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ cử cán bộ rà soát lại toàn bộ các đập, ao, hồ và các suối trên địa bàn xã để đặt biển bảng cảnh báo, nhằm hạn chế và nhắc nhở người dân, trẻ nhỏ không đến các khu vực có cảnh báo nguy hiểm để chơi đùa", ông Tuấn nói.
Thầy Nguyễn Thành Trung, giáo viên Trường THCS Tân Phú (huyện Đồng Phú) trăn trở, mỗi lần nghe thông tin có vụ trẻ em bị đuối nước thật đau lòng. Trong khi, những tai nạn này hoàn toàn có thể hạn chế và phòng tránh.
Thầy Trung nhấn mạnh, cần trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi rơi xuống nước cho các em như: kỹ năng bơi, cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước,…
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú trao đổi với Người Đưa Tin, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Đồng Phú đã xảy ra 2 vụ đuối nước làm tử vong 4 em nhỏ.
Qua đó, lãnh đạo huyện chỉ đạo các địa phương, các trường học trên địa bàn huyện triển khai thực hiện nghiêm và hiệu quả các giải pháp về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em.
Đặc biệt, là công tác dạy bơi cho trẻ em, cũng như rà soát lại tất cả các ao, hồ, suối trên địa bàn huyện để cắm bảng cảnh báo, thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình, dự án xây dựng.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về phòng chống đuối nước cho trẻ em
Theo rà soát của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước, từ đầu năm đến ngày 10/9, toàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ đuối nước, làm 18 trẻ em tử vong. Các địa phương vừa mới bước vào mùa mưa, nhưng cũng đã ghi nhận nhiều vụ việc thương tâm.
Trao đổi với PV, ông Mai Xuân Tuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước cho hay, trước diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão năm nay, việc trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng ứng phó là điều vô cùng quan trọng.
Đặc biệt là các bậc phụ huynh, thành viên trong gia đình, những người chăm sóc trẻ phải quản lý, giám sát con em chặt chẽ hơn nữa, không để trẻ vui chơi, bơi lội hoặc di chuyển trong nước lũ, không lội qua suối khi nước chảy xiết,…
Đồng thời, trang bị cho trẻ kỹ năng bơi lội, an toàn trong môi trường nước, cách sơ, cấp cứu, cứu đuối, kỹ năng thoát hiểm khi bị đuối nước…
Theo ông Tuân, thời gian tới Sở sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về phòng chống đuối nước cho trẻ em như: tổ chức tập huấn, tọa đàm cho đội ngũ làm công tác trẻ em cấp huyện, xã về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em.
Đồng thời, tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra, nhất là kiểm tra liên ngành về công tác trẻ em, đặc biệt là công tác phòng chống đuối nước trẻ em tại các địa phương.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đảm bảo 100% ao, hồ, sông, suối có nguy cơ đuối nước có lắp đặt cảnh báo, rào chắn,.. an toàn cho trẻ em.
Vào chiều ngày 15/9, trên địa bàn huyện Bù Đăng cũng vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân là em Nguyễn Thanh B. (14 tuổi, ngụ tại xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Theo người nhà nạn nhân, khoảng 13h cùng ngày, em B. cùng người em ruột rủ nhau đi chơi. Khi đi vào vườn của một người dân, em B. không may bị trượt xuống ao nước.
Trước đó, ngày 2/9 và 4/9 vừa qua, trên địa bàn huyện Đồng Phú và Tp.Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã xảy ra 2 vụ đuối nước, khiến 3 em nhỏ 10 tuổi chết đuối một cách thương tâm, khi chỉ còn một ngày nữa là bước vào buổi khai giảng năm học mới.
Ngày 17/3, 3 nữ sinh gồm: Trần Thị Yến Nh. (15 tuổi); Trần Thị Mỹ D. (15 tuổi) và Nguyễn Phương Hoài Tr., (16 tuổi, cùng ngụ huyện Bù Đốp) đến khu vực Nhà máy thủy điện Cần Đơn (thị trấnThanh Bình, huyện Bù Đốp) để chơi và xuống lòng sông chụp hình. Sau khi nhà máy thủy điện xả nước, người dân không nhìn thấy 3 em nữa. Ngày 18/3, 3 em được tìm thấy dưới sông và đã tử vong.