Phòng GD nhân sự mỏng, có khi lãnh đạo tự soạn văn bản tự ký, nơi tuyển không đủ
Giáo viên dạy học được hưởng lương, chế độ phụ cấp...cao hơn cán bộ, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo nên không mấy mặn mà về Phòng làm việc.
Qua ghi nhận, chia sẻ của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo một số huyện ở một vài địa phương cho thấy, dù phòng thiếu nhân sự, còn biên chế nhưng khi tuyển dụng thì không có ứng viên đăng ký.
Bởi, giáo viên dạy học được hưởng lương, chế độ phụ cấp… cao hơn cán bộ, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo nên thầy cô không mấy mặn mà về phòng làm việc.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tự làm văn bản, tự ký
Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Phỉ Đính - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, năm 2023, Phòng có 3 lãnh đạo, 3 chuyên viên phụ trách chuyên môn về bậc học mầm non, tiểu học, trung học sở. 2 chuyên viên còn lại được thầy Đính ví như vị trí “mềm” do phải vừa hỗ trợ lãnh đạo Phòng làm công tác quản lý chuyên môn, vừa có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng nghiệp, dạy nghề…
Trước đây, Phòng có tổng 14 người làm việc, trong đó, một số người là giáo viên được trưng tập từ các trường trên địa bàn thị xã.
Ngày 19/4/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 06 về việc đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường công tác quản lý, sử dụng và tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có yêu cầu: "không được sử dụng biên chế viên chức và hợp đồng 68 (hợp đồng lao động theo Nghị định Số 68/2000 NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ - PV) để bố trí làm việc ở vị trí làm việc của công chức", thì số người làm việc tại Phòng Giáo dục và Đào tạo còn 8 người.
“8 người phải làm công việc của 14 người trước đây. Người giảm nhưng việc không giảm nên phải phân chia trên cơ sở năng lực của từng người, kể cả lãnh đạo Phòng cũng phải làm việc của chuyên viên.
Nếu như trước, lãnh đạo Phòng chỉ duyệt và ký văn bản do chuyên viên tham mưu. Nhưng nay lãnh đạo phải trực tiếp làm thay công tác soạn văn bản, do chuyên viên quá nhiều việc”, thầy Đính cho biết.
Nhiệm vụ chính của thầy Đính là phụ trách chuyên môn bậc trung học cơ sở. Nhưng do lực lượng chuyên viên ít nên từ năm 2019, thầy Đính phụ trách thêm: công tác thanh, kiểm tra; thi đua khen thưởng; khuyến học khuyến tài; cựu giáo chức; phổ cập giáo dục, xóa mù chữ…
“Công việc nhiều nên cán bộ, chuyên viên đều trong tình trạng quá tải, làm ban ngày không hết thì phải làm ngoài giờ hành chính, nhưng không được thêm thu nhập.
Biện pháp trước mắt là cán bộ, chuyên viên trong Phòng phối hợp, hỗ trợ nhau trong quá trình làm việc. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao có khi Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng tự lên kế hoạch, soạn thảo văn bản, rà soát kỹ nội dung sau đó tự ký”, thầy Đính chia sẻ.
Theo thầy Đính, cán bộ công chức Phòng Giáo dục và Đào tạo được hưởng phụ cấp công vụ 25% (bất kỳ công chức nào cũng được hưởng phụ cấp này). Và chỉ lãnh đạo Phòng Giáo dục được hưởng phụ cấp chức vụ theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, còn chuyên viên thì không.
Biên chế còn nhưng tuyển dụng không ai đăng ký
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo tại tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Giáo viên chuyển từ trường học về Phòng Giáo dục huyện công tác sẽ có trường hợp từ mức lương mười mấy triệu (khi dạy học) giảm xuống còn chưa đến chục triệu. Do đó, nhiều giáo viên không muốn chuyển hẳn về Phòng làm việc”, vị Phó Trưởng phòng nói.
Trước khi về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện công tác ở cương vị Phó Trưởng phòng, vị này là Hiệu trưởng của một trường trung học cơ sở.
“Khi về Phòng vào năm 2020, tôi thấy công việc nhiều hơn, mệt hơn và thu nhập cũng giảm một nửa.
Biên chế giao cho Phòng là 7 người, nhưng hiện cũng chỉ có 4 người (1 Trưởng phòng, 2 Phó Trưởng phòng và 1 chuyên viên). 3 vị trí chuyên viên cần tuyển dụng nhưng đáng tiếc là không có ứng viên đăng ký”, vị này chia sẻ.
Với 4 cán bộ, chuyên viên thì không thể xoay sở hết việc. Do đó, Phòng duy trì việc trưng tập giáo viên của các trường.
“Trong số các giáo viên được trưng tập, có 5 người làm việc ở trường hết nửa tuần (do 50% thời gian thầy cô phải ở trường dạy học) nên thực tế họ chỉ làm việc ở Phòng 2-3 ngày/tuần", vị Phó Trưởng phòng này nói.
“Một số Phòng Giáo dục và Đào tạo khác của tỉnh cũng chỉ được giao 7-8 biên chế, còn lại sẽ trưng tập giáo viên. Tuy nhiên, việc trưng tập chỉ là "mượn người", thầy cô được trưng tập vẫn được phân công dạy trên 50% số tiết ở trường để nhận đủ lương ở trường mà thầy cô công tác chính thức.
Có lúc, lãnh đạo Phòng còn phải kiêm nhiều việc nên phải bỏ kế hoạch tổ chức, theo dõi thực tế hoạt động dạy học ở các trường. Có Phòng mấy tháng cán bộ không đến trường để theo dõi, nắm bắt các hoạt động chuyên môn dạy học.
Vì thế, đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, nhất là huyện miền núi, khi có đội ngũ giáo viên trưng tập làm việc sẽ giúp theo dõi sát sao hơn hoạt động giáo dục ở các trường, giúp công tác quản lý chuyên môn tốt hơn", vị này cho biết thêm.
Trước những khó khăn đã nêu, vị Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần có cơ chế riêng, tăng biên chế cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo để tập trung làm tốt công tác chuyên môn.
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân khiến giáo viên không muốn chuyển công tác, hay thi vào các vị trí tuyển dụng tại Phòng Giáo dục và Đào tạo là vì thu nhập thực tế của người làm việc tại Phòng thấp hơn thu nhập của giáo viên đứng lớp giảng dạy.
Nếu giáo viên, từ trường lên Phòng Giáo dục và Đào tạo công tác thì các phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên không được hưởng, dẫn đến giảm lương, trong khi thời gian làm việc áp lực hơn.