Phóng hỏa làm chết một người, cô gái đối mặt tội danh nào?
Theo luật sư, tùy thuộc ý thức, động cơ thực hiện hành vi, Trần Thị Thanh Hải có thể bị xử lý về tội Giết người hoặc Vô ý làm chết người.
Ngày 1/4, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) làm việc với Trần Thị Thanh Hải (29 tuổi, quê Nam Định) để làm rõ vụ hỏa hoạn khiến một người tử vong tối hôm trước.
Theo điều tra, Hải có quan hệ tình cảm với anh Hoàng (28 tuổi, quê Tuyên Quang). Do mâu thuẫn nên đầu tháng 3, anh Hoàng đến ở trọ cùng anh họ ở đường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm. Cho rằng bị anh họ của bạn trai ngăn cản chuyện tình cảm, nữ nghi phạm mang xăng đến đốt xe máy của người này.
Vụ cháy làm một người thiệt mạng, một số người bị thương và nhiều tài sản bị hư hỏng. Với tính chất và hậu quả mà hành vi này để lại, Hải đối diện tội danh nào?
Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) nhìn nhận việc Hải phóng hỏa xe máy chỉ để trả thù tình cảm là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thể hiện sự ích kỷ, đê hèn. Với hậu quả làm chết một người, 2 người bị bỏng nặng cùng nhiều người khác bị thương, nghi phạm cần bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, ông Lực nhìn nhận hành vi của Hải có thể cấu thành tội Hủy hoại tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 do đã làm cho tài sản của người khác bị thiệt hại, mất hoặc bị giảm đáng kể giá trị sử dụng.
Do đây là tội phạm cấu thành vật chất, cơ quan chức năng sẽ giám định mức độ thiệt hại của số xe máy tại hiện trường cũng như cơ sở vật chất của tòa nhà để áp dụng tình tiết định khung phù hợp. Nếu giá trị tài sản thiệt hại từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng, khung hình phạt áp dụng sẽ là 5-10 năm tù.
Ngoài ra, với hành vi phóng hỏa làm một người tử vong, luật sư cho rằng Hải có thể bị xử lý về tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.
"Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra. Do đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục lấy lời khai, xác minh liệu Hải có ý thức được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người hay không", Giám đốc Công ty Luật Pháp trị phân tích.
Còn luật sư Phạm Văn Hưng (Phó giám đốc Công ty Luật ANVI) nhìn nhận với một người có đầy đủ nhận thức và hành vi, Hải phải biết được rằng hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người. Do đó, có căn cứ xử lý nghi phạm về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
"Một người có đầy đủ nhận thức và năng lực hành vi phải hiểu được rằng trong một không gian chật hẹp, nhiều xe máy và dễ cháy nổ như vậy, việc châm lửa đốt xe hoàn toàn có thể gây ra cháy lớn, dẫn tới hậu quả chết người. Trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nghi phạm có ý thức được hậu quả mà hành vi của mình gây ra hay không. Trường hợp đủ căn cứ xác định Hải ý thức được điều này, nghi phạm có thể bị xử lý về tội Giết người", luật sư Hưng phân tích.
Cùng theo dõi sự việc, luật sư Lưu Kiều Trang (Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) nhìn nhận cơ quan chức năng sẽ làm rõ ý thức, động cơ và mục đích của Hải khi thực hiện hành vi phạm tội, từ đó áp dụng tội danh cũng như tình tiết định khung phù hợp.
Trường hợp đủ căn cứ xác định Hải ý thức được việc có thể gây chết người nhưng vẫn thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả xảy ra, cô có thể bị xử lý về tội Giết người.
"Trong vụ việc này, hành vi của Hải làm một người chết, 2 người bị bỏng nặng cùng nhiều người khác bị thương. Tuy nhiên, việc nhiều người thoát chết nằm ngoài ý chí chủ quan của nghi phạm. Do đó, nghi phạm vẫn có thể bị áp dụng tình tiết định khung tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 12-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình", luật sư Trang phân tích.
Dưới góc độ dân sự, tùy thuộc mức độ thương tích, nghi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị thiệt hại. Đối với gia đình có người bị xâm phạm về tính mạng, các khoản bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người đó trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng cùng những chi phí khác theo luật định
Đối với những người có sức khỏe bị xâm phạm, khoản bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị cùng các khoản chi phí phù hợp khác theo luật định.