Phong lá đỏ ở Hà Nội chết yểu: Ý đồ tốt nhưng thực hiện quá vội vàng
Theo các chuyên gia, ý đồ trồng phong lá đỏ tại Hà Nội là tốt nhưng thực hiện quá vội vàng dẫn tới hiệu quả không đạt.
Ý đồ trồng phong lá đỏ là tốt nhưng sai ở chỗ đưa vào trồng ngay
Sau hơn 3 năm trồng tại Hà Nội, hàng cây phong lá đỏ trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sinh trưởng rất kém, có thời điểm trông như những cành củi khô, không hơn không kém.
Mới đây, thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch đánh chuyển, trồng thay thế hàng cây phong lá đỏ dọc đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh bằng cây bàng lá nhỏ, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4 và 1/5.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên VOV.VN, GS.TS Nguyễn Lân Hùng cho biết, hàng cây phong lá đỏ ở đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng bắt nguồn từ việc một doanh nghiệp đi nước ngoài thấy cây phong lá đỏ đẹp vì vậy doanh nghiệp này muốn đưa về trồng tại Việt Nam nên đã đề xuất với Hà Nội được đóng góp (miễn phí) bằng việc đưa giống này về trồng và đã được chấp thuận.
“Ý đồ là tốt nhưng cái sai là các đơn vị chức năng của Hà Nội thấy mục đích hướng đến tốt quá nên đã cho vào trồng ngay khiến hiệu quả chưa đạt. Đáng lý phải cho trồng thử nghiệm trước, đến khi cảm thấy phù hợp thì mới cho vào trồng đại trà”, GS.TS Nguyễn Lân Hùng nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho biết: "Từ thời điểm trồng cây phong lá đỏ trên tuyến phố này vào đầu năm 2018 tôi đã có ý kiến không tán thành việc này. Vì chúng ta chưa có bất cứ tài liệu nào thử nghiệm trồng cây phong tại Việt Nam, đặc biệt tại các vùng đô thị như Hà Nội. Tôi thấy nếu như trồng thử nghiệm thì được, còn nếu trồng luôn vào đường phố đô thị là không tốt vì chưa biết sống và sinh trưởng ra sao, bất kỳ loại cây xanh đô thị nào cũng cần phải được khảo nghiệm cụ thể của cơ quan khoa học với số lượng mẫu thống kê đủ lớn".
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, vấn đề sinh thái cần được xem xét kĩ, liệu có phù hợp hay không, nghiên cứu đất đai, khí hậu, địa hình; nghiên cứu tác động môi trường, xã hội, có gây ô nhiễm, có làm hỏng đất, làm cho biến đổi môi trường xung quanh hay không; cuối cùng là môi trường xã hội có lợi hay có hại, như thế nào với cộng đồng dân cư,…
“Đến nay, thực tế đã chứng minh cây phong lá đỏ không hợp với môi trường khí hậu tại Hà Nội. Chính vì vậy cây nhanh chóng chết sau hơn 3 năm trồng trên tuyến đường trên. Lẽ ra, phải trồng thử nghiệm 2-3 năm. Nếu cây phát triển tốt mới trồng nhiều”, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung nhấn mạnh.
Có thể trồng cây bàng lá nhỏ tại đường Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng
Đánh giá về trồng thay thế hàng phong lá đỏ ở tuyến phố Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng bằng cây bàng lá nhỏ (giống Đài Loan), GS.TS Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho biết: “Cây bàng lá nhỏ là cây đã được trồng nhiều tuyến phố tại Hà Nội. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc trồng cây phải có tiêu chuẩn phù hợp với đô thị vì vậy cần xem xét kỹ”.
GS.TS Nguyễn Lân Hùng tỏ ra đồng tình với kế hoạch trồng cây bàng lá nhỏ ở Hà Nội. “Cây bàng lá nhỏ đã được trồng ở Hà Nội thời gian qua bây giờ phát triển lên rất đẹp, tán ngang, dễ cọc, cây thẳng,… đường Kim Mã có đoạn trồng cây này giờ lên cao, dưới gốc trồng cây tường vi nữa tạo cảnh quan cây xanh rất đẹp. Nếu thay thế cây phong lá đỏ bằng bàng lá nhỏ ở đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng thì rất hợp lý”, GS.TS Nguyễn Lân Hùng nêu quan điểm.
Trước đó, thực hiện chủ trương của TP Hà Nội về chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020, tháng 1/2018, các cơ quan chức năng Hà Nội đã trồng 262 cây phong lá đỏ trên tuyến đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.
Các cây phong lá đỏ này do một đơn vị tặng thành phố để trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, ngay khi trồng thử nghiệm cây phong trên phố Hà Nội đã gây nhiều ý kiến trái chiều.
Sau hơn 3 năm trồng thử nghiệm, cây phong lá đỏ cho thấy nó chưa thích nghi được với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Khoảng 45 cây đã chết, những cây còn lại phát triển kém, lá cũng không đỏ như kỳ vọng ban đầu./.