Phòng ngừa bệnh hay gặp ở phụ nữ tuổi trung niên

Khi bước qua tuổi 40, phụ nữ thường cảm thấy cơ thể có những thay đổi bất thường về sức khỏe, tâm sinh lý. Đây cũng là thời điểm cơ thể rất dễ mắc một số bệnh.

Những căn bệnh hay gặp

Bệnh xương khớp. Sau tuổi 40, hiện tượng đau lưng, vùng thắt lưng sẽ xuất hiện và ngày một rõ rệt. Thường xuất hiện các cảm giác khó chịu ở các khớp, đồng thời dễ phát sinh những biến đổi có tính suy thoái như loãng xương, có bệnh ở cột sống cổ. Loãng xương còn làm mất khả năng vận động tự nhiên của cơ thể, từ đó gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh tim mạch. Ở độ tuổi sinh đẻ, hệ thống tim mạch của phụ nữ được bảo vệ bởi các hormon sinh dục nữ (estrogen), các hormon sinh dục này có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu, bảo vệ thành mạch và tim. Khi ngoài tuổi 40, lượng hormon sinh dục bị giảm đáng kể và bắt đầu giai đoạn tiến triển các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành...).

Phụ nữ nên đi khám sức khỏe định kỳ và khi thấy có những dấu hiệu bất thường cần đi kiểm tra ngay để điều trị sớm

Phụ nữ nên đi khám sức khỏe định kỳ và khi thấy có những dấu hiệu bất thường cần đi kiểm tra ngay để điều trị sớm

Bệnh về tiêu hóa và chuyển hóa. Khi bước vào tuổi trung niên, hệ số tiêu hóa và chuyển hóa hạ thấp rõ rệt. Ngoài ra, do chức năng chuyển hóa chất hạ thấp, sự tiết ra insulin cũng ít đi, tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường cũng tăng cao. Những bệnh tiêu hóa và chuyển hóa mà chị em dễ mắc ở lứa tuổi trung niên là: đái tháo đường, tăng mỡ máu, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, khó tiêu…).

Nguy cơ ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Phụ nữ tuổi trung niên có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Các yếu tố liên quan làm tăng nguy cơ mắc bệnh là do sau 35 tuổi, nội tiết tố sinh dục, nang noãn của phụ nữ giảm, sức đề kháng kém nên rất dễ viêm âm đạo, viêm cổ tử cung kéo dài...

Hội chứng tiền mãn kinh. Ở lứa tuổi ngoài 40, buồng trứng bắt đầu suy thoái, mức estrogen trong cơ thể hạ thấp và dần bị thiếu hụt estrogen. Vùng chịu tác động đầu tiên là khung chậu vì thế trong giai đoạn này người phụ nữ dễ mắc phải các chứng sa sinh dục, ngứa âm hộ, âm đạo khô, giao hợp rát... thiếu estrogen còn gây ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh, tuyến nội tiết... sinh ra chứng mất ngủ, mệt mỏi, cáu gắt, lo âu, bốc hỏa... đó đều là những biểu hiện của hội chứng thời kỳ tiền mãn kinh.

Triệu chứng của bệnh thường gặp

Mệt mỏi, đau vùng ngực. Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhưng ẩn chứa nhiều bất thường về sức khỏe. Đó có thể là dấu hiệu rõ ràng nhất của stress, thiếu máu, huyết áp thấp, nhiễm virus, đường huyết gặp vấn đề, viêm khớp, tăng huyết áp, bệnh tim... Khi xuất hiện những cơn đau hoặc cảm giác khó chịu ở vùng giữa ngực, có thể có thêm những cơn đau ở phần trên cơ thể, đau vùng thượng vị, khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, đau đầu thì có thể là biểu hiện của bệnh tim mạch.

Đau đầu, chóng mặt. Đau đầu có thể là dấu hiệu của chứng tăng huyết áp, thiếu máu não. Nếu đau đầu kèm hoa mắt chóng mặt nhẹ là biểu hiện thường gặp với nhiều người và có thể qua nhanh, nhưng không thể xem thường, vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua. Các triệu chứng chóng mặt, mất thăng bằng, tay chân bủn rủn và mắt mờ hẳn đi có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ.

Đau lưng. Đau lưng kèm theo dấu hiệu chóng mặt có thể là do chứng thoái hóa cột sống, hội chứng thiếu máu não. Nếu đau lưng nhiều ở đoạn cuối lưng, thường xuất hiện một cách đột ngột khi nâng vật nặng hay vận động mạnh thì có thể do thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, những bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, bàng quang, niệu quản, người bệnh cũng cảm thấy đau lưng.

Đau bụng, kinh nguyệt thất thường. Đối với phụ nữ tuổi trung niên, viêm vòi trứng, viêm ở âm đạo cũng thường biểu hiện bằng các cơn đau vùng chậu, đau tăng lên lúc giao hợp, chảy máu giữa kỳ kinh, sốt và có nhiều khí hư. Kinh nguyệt không đều hoặc thất thường có thể dấu hiệu của rối loạn nội tiết tố, hoặc là triệu chứng của bệnh buồng trứng đa nang...

Phòng các bệnh dễ gặp ở phụ nữ trung niên

Để phòng bệnh ở lứa tuổi này, phụ nữ cần lưu ý chế độ ăn uống khoa học: không quá 5-6g muối/ ngày. Hãy sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau, đặc biệt là ngũ cốc, rau và hoa quả để cung cấp đủ cho cơ thể lượng vi chất cần thiết. Một khẩu phần ăn giàu vitamin A, C và E sẽ giúp giảm tỷ lệ ung thư vú. Một lượng cao vitamin E cũng tốt cho những người bị các bệnh về tim mạch. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, có trong thành phần của enzym và giúp ổn định màng tế bào, chống lại quá trình ôxy hóa. Thiếu kẽm sẽ gây ra các hiện tượng như giảm quá trình tổng hợp protein, giảm sức đề kháng của cơ thể...

Nên tăng cường ăn nhiều chất xơ. Chất xơ không chỉ cho bạn cảm giác no lâu mà nó còn giúp duy trì mức năng lượng và đường trong máu ở ngưỡng ổn định. Nó cũng rất tốt trong việc hạ tỷ lệ cholesterol và nâng cao sức khỏe. Chất xơ cũng đóng vai trò tích cực trong việc giúp bạn giảm béo vì nó có tác dụng lấy đi một lượng calo nhất định thông qua hệ tiêu hóa trước khi chúng tích tụ quanh vòng 2. Phụ nữ ở độ tuổi này nên duy trì chế độ tập luyện ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Các bài tập aerobic có tác dụng tiêu hao năng lượng, giảm mỡ rất tốt và nó cũng đồng thời giúp tăng cường cơ tim.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phong-ngua-benh-hay-gap-o-phu-nu-tuoi-trung-nien-post533504.antd