Phòng ngừa bệnh sỏi thận

Sỏi thận là bệnh lý khá phổ biến, xảy ra khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại trong đường tiết niệu thành những tinh thể rắn. Kích thước của sỏi rất đa dạng. Những viên sỏi có kích thước nhỏ có thể được tống ra ngoài qua đường tiểu tiện. Tuy nhiên, với những viên sỏi lớn khi di chuyển trong hệ tiết niệu sẽ gây cọ xát dẫn tới tổn thương, thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu, để lại những hậu quả nặng nề.

Một ca phẫu thuật lấy sỏi thận được thực hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai. Ảnh: A.YÊN

Một ca phẫu thuật lấy sỏi thận được thực hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai. Ảnh: A.YÊN

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Truyện, Phó trưởng khoa Ngoại - sản - liên chuyên khoa, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, cho biết triệu chứng điển hình của sỏi thận là cơn đau quặn thận. Cơn đau xuất hiện ở vùng hông lưng, đau dữ dội, từng cơn, lan xuống vùng bẹn, kèm theo các triệu chứng như: tiểu máu, tiểu đục, tiểu đau hoặc sốt. Bệnh thường gặp ở nam giới trung niên, nhất là từ 30-55 tuổi. Những năm gần đây, có nhiều nữ giới cũng mắc sỏi thận.

Những thói quen dễ dẫn đến sỏi thận như: ăn mặn, uống ít nước, ngồi lâu, ít vận động, ăn quá nhiều thịt đỏ, ăn ít rau xanh…

Để phòng ngừa bệnh sỏi thận, bác sĩ Truyện khuyến cáo người dân cần uống đủ nước, khoảng 2 lít/ngày; ăn nhạt, hạn chế ăn thịt đỏ, tránh các loại nước ngọt; không nên sử dụng nhiều các loại thực phẩm chế biến sẵn như: bánh mì, khoai tây chiên, các loại phô mát; giảm lượng đường trong các bữa ăn; ăn nhiều rau xanh, không nên uống rượu, cà phê.

Ngoài ra, cần duy trì chế độ tập luyện thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe để có sức khỏe tốt, loại trừ các nguy cơ gây bệnh.

Khi có các triệu chứng của bệnh sỏi thận, người dân cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám và điều trị sớm, tránh các biến chứng.

An Yên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202403/phong-ngua-benh-soi-than-67a59e7/