Phòng ngừa, đấu tranh thanh thiếu niên dùng hung khí giải quyết mâu thuẫn

Ngày 25-10, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị Chuyên đề về 'Giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí, vũ khí tụ tập gây rối trật tự công cộng, giải quyết mâu thuẫn'.

 Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo của Công an tỉnh Sóc Trăng, tính từ đầu năm 2023 đến 9 tháng của năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 71 vụ có dấu hiệu tội phạm liên quan thanh thiếu niên, với 400 đối tượng liên quan, làm chết 4 người, bị thương 8 người.

Theo đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố 46 vụ án hình sự, với 206 bị can về các tội danh “Giết người”, “Cố ý gây thương tích”, “Gây rối trật tự công cộng”, “Cướp tài sản”… Đặc biệt, các thanh thiếu niên gây án thời gian qua đa số dưới 18 tuổi và dưới 16 tuổi, thường hình thành các nhóm nhỏ, lẻ. Lý do dẫn đến các vụ việc thường là mâu thuẫn cá nhân, sau đó thông qua mạng xã hội rủ rê, lôi kéo, chuẩn bị hung khí, vũ khí để giải quyết.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào

Các nguyên nhân của thực trạng trên được chỉ ra là: do đặc thù về tâm, sinh lý của lứa tuổi thanh thiếu niên (bốc đồng, thích thể hiện, dễ kích động, lôi kéo, a dua đám đông…); ý thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế; tác động từ thông tin tiêu cực trên các nền tảng thông tin, mạng xã hội; công tác phòng ngừa xã hội từ gia đình, nhà trường, tổ chức, đoàn thể còn hạn chế; một số ngành, lực lượng chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, chưa phối hợp nhịp nhàng; một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh…

Phát biểu tại hội nghị, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao kết quả mà các lực lượng chức năng đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị các cấp, ngành phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt; tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật với thanh thiếu niên; đa dạng hóa các mô hình nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải…

TUẤN QUANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phong-ngua-dau-tranh-thanh-thieu-nien-dung-hung-khi-giai-quyet-mau-thuan-post765331.html