Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi bạo lực gia đình

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra không ít vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), gây bất bình trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình ANTT và phát triển KT-XH. Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ.

Công an huyện Lạc Thủy tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lồng ghép nội dung bình đẳng giới, phòng - chống bạo lực gia đình đến cán bộ, Nhân dân thôn Chín, xã Hưng Thi.

Công an huyện Lạc Thủy tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lồng ghép nội dung bình đẳng giới, phòng - chống bạo lực gia đình đến cán bộ, Nhân dân thôn Chín, xã Hưng Thi.

Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả các mặt công tác liên quan đến phòng, chống BLGĐ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong Nhân dân để phòng ngừa BLGĐ. Giai đoạn 2010-2020, các đơn vị nghiệp vụ, tổ chức quần chúng trong Công an tỉnh đã tổ chức 145 buổi tuyên truyền lưu động cho trên 9.000 người dân tại các xã địa bàn vùng sâu, vùng xa về công tác đảm bảo ANTT, lồng ghép nội dung tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ, hậu quả của BLGĐ, chế tài xử lý của pháp luật đối với hành vi BLGĐ. Phát huy vai trò xung kích của các tổ chức đoàn thể quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã thành lập câu lạc bộ "Tuyên tuyền pháp luật", thường xuyên tổ chức truyền thông pháp luật gắn với phòng, chống BLGĐ, nhất là tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tác hại của rượu, ma túy... bằng các hình thức phong phú, dễ tiếp cận như phiên tòa giả định, thực hành kỹ năng xử lý tình huống...

Theo báo cáo, từ năm 2018 đến nay, các đơn vị chức năng Công an tỉnh đã thụ lý 34 vụ với 34 đối tượng về các hành vi liên quan đến BLGĐ, gồm: 5 vụ hiếp dâm, 26 vụ cố ý gây thương tích, 2 vụ giết người, 1 vụ hành hạ người khác; đã khởi tố 9 vụ với 9 đối tượng, xử lý hành chính 24 vụ với 24 đối tượng, tạm đình chỉ 1 vụ với 1 đối tượng. Các đơn vị áp dụng đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi BLGĐ. Qua công tác điều tra các vụ án cho thấy, hình thức bạo lực chủ yếu là tác động tới tinh thần và thân thể, số ít sử dụng hình thức kinh tế và tình dục. Đối tượng bị BLGĐ tập trung vào phụ nữ và trẻ em. Vụ việc liên quan đến BLGĐ xảy ra nhiều ở các huyện: Kim Bôi, Đà Bắc, Lạc Thủy... Việc xác định rõ nhóm đối tượng bị BLGĐ, nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi BLGĐ giúp lực lượng có biện pháp chủ động phối hợp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.

Đồng chí Bùi Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng: BLGĐ dù diễn ra ở bất kỳ hình thức nào, hậu quả của nó để lại cũng hết sức nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, địa bàn nào cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo sát sao, huy động sự chung tay phòng, chống BLGĐ, ý thức xây dựng nếp sống văn hóa gia đình được nâng cao thì tỷ lệ tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BLGĐ giảm. Trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân để tổ chức triển khai hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ. Đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, hành vi vi phạm về BLGĐ, tập trung làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý thông tin, điều tra, xác minh, đồng thời tiếp tục phối hợp đấu tranh phòng, chống các tai tệ nạn xã hội - một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến BLGĐ.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/146976/phong-ngua,-dau-tranh-voi-toi-pham-va-hanh-vi-bao-luc-gia-dinh.htm