Phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ

Trong những năm gần đây, xu hướng dậy thì sớm đang ngày càng trở thành vấn đề đáng báo động trong chăm sóc sức khỏe trẻ em. Đây là một tình trạng nguy hiểm và gây nhiều hệ lụy cho cuộc sống của thế hệ tương lai, ảnh hưởng tới tâm lý của bản thân trẻ cũng như gia đình. Các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm, có hiểu biết đúng đắn trong chăm sóc sức khỏe trẻ để nhận biết và phòng ngừa nguy cơ dậy thì sớm cho con mình.

 Khuyến khích tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí nhằm giúp trẻ em phát triển toàn diện -Ảnh: M.Đ

Khuyến khích tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí nhằm giúp trẻ em phát triển toàn diện -Ảnh: M.Đ

Có con gái mới 9 tuổi nhưng đã cao 1m65, nặng 45 kg, anh N.Q.H. ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, chia sẻ: “Từ khi bước vào tiểu học, bé nhà mình đã cao lớn hơn các bạn, càng lớn, bé càng phát triển chiều cao vượt trội sau mỗi năm. Ban đầu ba mẹ vui vì con khỏe mạnh, lớn nhanh hơn các bạn cùng trang lứa. Nhưng tới khi bé có kinh nguyệt quá sớm, rồi khóc vì sợ sệt, không biết cách chăm sóc bản thân cũng như mặc cảm với bạn bè, lúc đó gia đình mới biết con đang có các dấu hiệu dậy thì sớm và rất lo lắng”.

Cùng chung nỗi lo, chị N.T.H. ở Phường 1, thị xã Quảng Trị đưa cháu gái gần 8 tuổi đi khám vì cháu kêu đau và sưng ngực. Sau khi thăm khám, đo tuổi xương, bác sĩ kết luận cháu chị H. có biểu hiện dậy thì sớm. Mặc dù chưa cần nhập viện điều trị nhưng cháu cần tuân thủ chế độ ăn uống, tập luyện và tái khám. “Ba mẹ cháu đều đi làm xa, gửi cháu ở với mình, khi thấy cháu đau mình rất hoang mang, không biết đã chăm cháu đúng cách chưa. Từ ngày thấy bản thân phổng phao hơn các bạn trong lớp, cháu cứ rụt rè, thiếu tự tin hẳn…”, chị H. bày tỏ.

Theo các chuyên gia, tuổi dậy thì là khi cơ thể thay đổi từ một đứa trẻ thành một người trưởng thành, bao gồm sự tăng trưởng nhanh của xương và cơ bắp, những thay đổi về hình dạng cơ thể và kích thước, phát triển khả năng của cơ thể để sinh sản. Dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormone của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (trước 8 tuổi ở trẻ em gái và trước 9 tuổi ở trẻ em trai). Những bé gái bị dậy thì sớm do ảnh hưởng rối loạn nội tiết sớm gây ra hội chứng buồng trứng đa nang, sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.

Ngoài ra, trẻ dậy thì sớm có tâm lý thiếu tự tin, dễ bị ngại ngùng, tự ti so với các bạn cùng trang lứa. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ, khả năng hòa đồng, học tập và vui chơi cùng các bạn trong lớp… Trên thực tế, các bé trai dậy thì sớm có thể bị vỡ giọng, mọc mụn nhiều... Các bé gái dậy thì sớm thường cao lớn, xuất hiện kinh nguyệt, phát triển trước các bạn. Sự khác biệt rõ rệt so với các bạn khiến trẻ thiếu tự tin, các bạn cùng lớp có thể nói những điều gây tổn thương đối với trẻ.

Điều quan trọng là ba mẹ cần dành thời gian để lắng nghe, quan tâm con và trả lời những thắc mắc của con một cách tế nhị, chính xác. Khi có con trong độ tuổi dậy thì, người lớn nên giải thích rằng mọi người đều trải qua tuổi dậy thì vào một thời điểm khác nhau, người sớm người muộn. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng tất cả những thay đổi cơ thể này sẽ xảy ra với tất cả mọi người và thời điểm là khác nhau đối với mỗi người mà thôi. Phụ huynh cần tránh để trẻ cảm thấy mặc cảm rằng mình đang mắc bệnh.

Trong xu thế hiện nay, trẻ em được tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử, đồ chơi công nghệ cũng như hóa mỹ phẩm đủ chủng loại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ có sự phát triển sớm về tâm sinh lý, có nhiều sự tò mò giới tính. Cộng thêm nhiều kênh thông tin trong khi các em chưa biết chọn lọc. Sự mày mò tìm hiểu và nhầm lẫn của trẻ về những thay đổi trong cơ thể, về giới tính sẽ ngày càng tạo điều kiện cho việc sản xuất sớm các hormone liên quan đến tình dục. Vì vậy, để góp phần tránh cho con bị dậy thì sớm, phụ huynh cần đặt ra ranh giới rõ ràng về các hành vi lành mạnh và giáo dục giới tính từ sớm cho trẻ.

Bác sĩ Trần Vĩnh Hoàng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Dậy thì sớm là một bệnh hiện đang có xu hướng ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Các trẻ dậy thì sớm bắt đầu tăng vọt chiều cao sớm và cũng sẽ ngừng phát triển sớm hơn. Trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn những đứa trẻ bình thường, đặc biệt là ở trẻ em gái. Nếu không được điều trị, cho dù trẻ từng cao lớn nhất lớp, vẫn có thể thấp bé nhất lớp về sau. Đây là lý do các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa tới chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh cho con. Tăng cường rau, củ, quả trong bữa ăn hằng ngày, đảm bảo lượng đạm đầy đủ, hạn chế sử dụng đồ ăn đã qua chế biến sẵn và đồ ngọt, đồ chiên rán... chứa nhiều chất béo. Chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn, tránh những thực phẩm chứa hormone tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới dậy thì sớm.

Ngoài ra, ba mẹ nên giúp trẻ tăng cường vận động. Trẻ vận động nhiều sẽ giúp tiêu hao năng lượng, chơi các môn như bơi, nhảy dây, đá bóng, đá cầu... cơ thể sẽ phát triển khỏe mạnh hơn. Nếu thấy trẻ đang có dấu hiệu bệnh dậy thì sớm, gia đình cần đưa trẻ đến bác sĩ nội tiết nhi để thực hiện các xét nghiệm chuyên khoa.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, có nhiều trường hợp đến thăm khám, nhưng để chẩn đoán xác định và phân loại bệnh dậy thì sớm cần phải có các xét nghiệm về nội tiết chuyên sâu, chúng tôi buộc phải chuyển lên tuyến trên. Khi biết con đã mắc bệnh, các bậc phụ huynh hãy đưa con đi điều trị để giúp làm chậm quá trình dậy thì của trẻ, làm ngưng hoặc giảm tốc độ tăng trưởng tránh gây ra những hệ lụy đáng tiếc”.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=167337&title=phong-ngua-day-thi-som-o-tre