Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Chưa có số liệu thống kê cụ thể về lao động nằm trong độ tuổi trẻ em. Song, với số lượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khá đông, phải lao động kiếm sống, phụ giúp gia đình là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định pháp luật.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Nguyễn Thị Bảo Trân, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trẻ em tham gia lao động sớm trên địa bàn tỉnh do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, gia đình di cư từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp ngoài tỉnh để kiếm sống. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ được hết địa bàn, đối tượng. Số người thực hiện nghiệp vụ truyền thông, tư vấn còn hạn chế, chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao; sản phẩm truyền thông còn ít, chưa đến được hộ gia đình, doanh nghiệp...

Từ năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1871/QĐ-UBND, thực hiện kế hoạch phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, bên cạnh chuyển biến về công tác truyền thông, tỉnh triển khai thí điểm các mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em, duy trì mô hình hỗ trợ cho trẻ em lao động sớm.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tham gia ngày hội thân thiện

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tham gia ngày hội thân thiện

Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam” (gọi tắt dự án ENHANCE) được thực hiện ở các huyện: An Phú, Châu Phú, Chợ Mới và TP. Châu Đốc. Từ năm 2018 - 2022, dự án đã hỗ trợ cho 3.012 trẻ và triển khai các mô hình. Trong đó, mô hình dạy nghề hỗ trợ cho 543 trẻ (độ tuổi từ 14 - 17 tuổi). Trong 315 trẻ học nghề, có 113 trẻ học sơ cấp nghề, còn lại học nghề và học giáo dục thường xuyên. Các trẻ học nghề được hỗ trợ chi phí, hiện đã hoàn thành khóa học, hầu hết có việc ổn định để phụ giúp gia đình.

Dự án còn hỗ trợ mô hình sinh kế cho gia đình trẻ em, được xem là giải pháp góp phần giảm thiểu lao động trẻ em tại gia đình và cộng đồng. Mô hình có sự phối hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân, Trường Đại học Cần Thơ... Các đơn vị đánh giá, đưa ra mô hình hỗ trợ sinh kế phù hợp với từng địa phương theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội, như: Mô hình máy sấy ớt, mô hình nước ép xoài, mô hình nuôi lươn không bùn, mô hình nuôi ếch, mô hình trồng nấm bào ngư, phân bón hữu cơ...

Năm 2024, Sở LĐ,TB&XH thí điểm triển khai “Mô hình phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định pháp luật” trên địa bàn TP. Long Xuyên. Hoạt động này nhằm giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, xin ăn, bán vé số, bán hàng rong... tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ. Ngoài nâng cao hiểu biết cho cán bộ, người dân, mô hình còn kết nối dịch vụ trên địa bàn thành phố, hỗ trợ trẻ em, gia đình có trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ tham gia lao động sớm có nhu cầu truyền thông, tư vấn tâm lý, chăm sóc y tế, hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh gia đình.

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức, không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm theo quy định của pháp luật. Nối tiếp sự chuyển biến có được qua nỗ lực triển khai hàng loạt nội dung, hoạt động, bà Nguyễn Thị Bảo Trân cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, giới thiệu quảng bá hoạt động của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tham vấn, tư vấn, phát hiện, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ lao động sớm với nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, văn phòng công tác xã hội cấp huyện, điểm tư vấn học đường trong trường học, cơ sở y tế… nhằm kết nối, hỗ trợ kịp thời trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc có dấu hiệu trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị ép buộc lao động sớm. Đặc biệt, xử lý kịp thời hành vi sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính cha mẹ, người chăm sóc trẻ bắt trẻ em tham gia lao động sớm, hạn chế hoặc không cho trẻ em thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em.

HOÀI ANH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phong-ngua-giam-thieu-lao-dong-tre-em-a410089.html