Tiền Giang: Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế, đội ngũ trí thức (ĐNTT) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của mỗi địa phương, cũng như gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Tại Tiền Giang, ĐNTT đang từng bước khẳng định vai trò của mình, tuy nhiên vẫn còn những thách thức cần được giải quyết để phát huy hiệu quả nguồn lực này.
CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Những năm qua, ĐNTT tỉnh Tiền Giang đã có những bước phát triển đáng kể. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 22.000 người có trình độ đại học trở lên, trong đó, có 1 giáo sư, 1 phó giáo sư, hơn 94 tiến sĩ, trên 1.600 thạc sĩ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
ĐNTT đã có những đóng góp tích cực trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đề xuất các giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến đã được nghiên cứu và áp dụng thành công, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Tiến sĩ Lê Văn Tý, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang cho rằng, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm xây dựng ĐNTT với nhiều chủ trương, chính sách đãi ngộ, tôn vinh được ban hành và triển khai vào thực tế. Nhờ đó, ĐNTT tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, đóng góp vào mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, nhất là trên các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, nghiên cứu khoa học…
Tuy nhiên, hiện tỉnh vẫn còn thiếu cán bộ, chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực, thiếu cán bộ có trình độ, năng lực và chuyên môn giỏi để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án mang tầm chiến lược nhằm phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.
Đối với ngành Y, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, khó khăn hiện nay của ngành Y tế là chưa thu hút được nguồn nhân lực về công tác ở vùng khó khăn; một số lĩnh vực khó tuyển dụng được lao động như: Pháp y, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, y học dự phòng… Việc thực hiện chế độ ưu đãi, trợ cấp trong đào tạo chỉ mới triển khai ở một số bệnh viện tuyến tỉnh.
Một cán bộ công tác trong ngành Tổ chức nhận định, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang, các cơ quan chuyên môn đã thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ, cũng như tạo điều kiện để trí thức được tuyển dụng, giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường và được thăng tiến trong nghề nghiệp.
Khó khăn hiện nay là có sự chồng chéo trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, nhất là giữa chức danh trong Đảng, chức vụ trong chính quyền nên việc bổ nhiệm trí thức có năng lực còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, theo Kết luận 35 của Bộ Chính trị, cấp phó của các đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy được xếp tương tương với cấp phó sở, ngành tỉnh nhưng cấp phó của các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh chỉ được xếp tương đương với trưởng phòng, ban trực thuộc sở, ngành tỉnh…
ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN TRÍ THỨC
Xây dựng ĐNTT là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn hiện nay. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần xây dựng ĐNTT đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh trong thời kỳ mới.
Theo Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương, Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị Khu vực IV), để phát huy vai trò của ĐNTT, cần chú ý đến 3 yếu tố: Hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng ĐNTT; môi trường làm việc của ĐNTT; chính sách trọng dụng, đãi ngộ và bảo đảm quyền lợi của ĐNTT.
Trong đó, môi trường, điều kiện làm việc có vai trò rất quan trọng; bởi trí thức chỉ phát huy hết tài năng, trí tuệ khi được làm việc trong môi trường dân chủ, được tạo điều kiện thuận lợi để lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học.
Giai đoạn 2012 - 2024, tỉnh Tiền Giang có 3 trí thức được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu toàn quốc”; 124 trí thức được UBND tỉnh tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu cấp tỉnh”. Ngoài ra, có 94 trí thức được UBND tỉnh vinh danh Tiến sĩ và trao tặng Khánh vàng; trong đó, có 2 trí thức được phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư và 92 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
Để thực hiện tốt chính sách trọng dụng, đãi ngộ ĐNTT, cơ quan quản lý cần có những hình thức tôn vinh, khen thưởng thỏa đáng với những nỗ lực, cống hiến của họ trong quá trình xây dựng và kiến tạo tại địa phương, đất nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều”.
Để phát huy vai trò của ĐNTT trong phát triển KT-XH, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trí thức tỉnh Tiền Giang đề xuất 7 nhóm giải pháp gồm: Hoàn thiện chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo lập môi trường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ; thúc đẩy hợp tác giữa trí thức và doanh nghiệp; tăng cường vai trò của trí thức trẻ và hỗ trợ khởi nghiệp; tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển văn hóa sáng tạo và tôn vinh trí thức.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thạc sĩ Huỳnh Công Chất, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) đề xuất, cần triển khai chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đào tạo thường xuyên, đào tạo liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
ĐNTT phải có ý thức tự học, tự nghiên cứu và cập nhật kiến thức liên tục; cơ quan quản lý cần quan tâm, tạo điều kiện cho ĐNTT tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào việc xây dựng các mô hình trình diễn, khảo nghiệm khuyến nông, nhất là ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Về lĩnh vực y tế, Bác sĩ Nguyễn Thanh Linh đề nghị, Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích ĐNTT tham gia đóng góp ý kiến, tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với công tác hoạch định chính sách, xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, công trình, dự án quan trọng của ngành Y tế; đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, công nhận các chức danh khoa học; rà soát, hoàn thiện hệ thống giải thưởng cấp Nhà nước, cấp bộ, ngành và các chính sách tôn vinh khác đối với ĐNTT; chú trọng công tác xây dựng tổ chức Đảng trong các hội trí thức trong sạch, vững mạnh; quan tâm phát triển đảng viên trong ĐNTT, nhất là trí thức trẻ, trí thức tài năng...
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, ĐNTT tỉnh Tiền Giang sẽ phát huy tốt vai trò của mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới. Việc xây dựng và phát triển ĐNTT không chỉ là nhiệm vụ của các cấp chính quyền, mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự nỗ lực của chính ĐNTT trong việc không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.