Phòng ngừa lao động trẻ em - Kỳ 1: Nhiều hoạt động thiết thực ở An Giang
Lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu. Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thế giới có khoảng 152 triệu lao động trẻ em, có mặt ở mọi lĩnh vực, ngành nghề. Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ảnh hưởng chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Mô hình giữ trẻ trong mùa lũ góp phần phòng chống đuối nước và bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Tuy các cấp, ngành có nhiều nỗ lực trong việc chăm lo cho trẻ nhưng vẫn còn không ít trẻ em làm việc sớm, mua bán hàng rong…
Điều 37 Hiến pháp nước ta quy định: “Trẻ em được nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều văn bản và nhiều chính sách để thực hiện tốt hơn việc chăm lo, giáo dục trẻ em.
Với nỗ lực chung của các cấp ngành, sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em được tăng cường ở cộng đồng, qua đó nhận thức của người dân, cha mẹ, người chăm sóc trẻ về kiến thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được nâng lên. Toàn tỉnh An Giang có 540.428 trẻ em, trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật là 6.599, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 85%; số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 50.055 trẻ, tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 65,8%.
Nếu như trước đây, có nhiều trẻ em theo cha mẹ làm những công việc nặng nhọc như cõng gạch, nấu thức ăn nuôi cá… thì hiện nay không còn tình trạng này. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng trẻ em tham gia cùng cha mẹ làm những công việc đồng áng ở vùng nông thôn, miền núi… để mưu sinh hoặc trong những tháng hè thường tham gia những công việc gia đình, phụ bán hàng rong hoặc bán vé số…
Việc đảm bảo cho trẻ có một môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện là mục tiêu chung của mô hình “Xã, phường phù hợp với trẻ em” đã và đang được các cấp, ngành, địa phương hướng đến. Đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang phối hợp với các ngành liên quan triển khai cho 156/156 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Các nội dung của chương trình xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em được lồng ghép với các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em và gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đã mang lại những kết quả tích cực. An Giang còn duy trì mô hình “Cộng đồng an toàn” tại 4 xã thuộc các huyện dự án Bạn hữu trẻ em: xã Phú Thọ (huyện Phú Tân), Văn Giáo (huyện Tịnh Biên), Khánh An (huyện An Phú), Lê Trì (huyện Tri Tôn)).
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số trẻ bị tai nạn thương tích đuối nước có thể xảy ra trong mùa lũ hàng năm, các địa phương trong tỉnh tổ chức tốt hàng trăm điểm giữ trẻ mùa lũ tại các huyện vùng lũ như An Phú, Chợ Mới, Tân Châu… để đảm bảo an toàn cho hàng ngàn trẻ em. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp dạy bơi cho trẻ em vùng lũ, tổ chức hội thi bơi lặn cứu đuối hàng năm cho trẻ em 11 huyện, thị xã, thành phố tham gia. Trong 2 năm 2017-2018, đã tổ chức 1.112 lớp với 40.467 trẻ tham gia học và biết bơi. Qua đó, không chỉ giúp các em biết bơi mà còn ngăn ngừa nguy cơ đuối nước - một trong những nguyên nhân gây tử vong trẻ em hàng đầu ở Việt Nam.
Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em năm 2019 có chủ đề “Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ” có ý nghĩa thiết thực khi toàn cầu đang cam kết triển khai việc phòng ngừa lao động trẻ em. Chủ đề này hoàn toàn phù hợp khi triển khai ở An Giang - là tỉnh có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nhiều trẻ em cùng cha mẹ làm công việc đồng áng sau giờ học hoặc trong thời gian nghỉ hè. Theo thống kê, An Giang có tỷ lệ lao động ở khu vực nông nghiệp khá cao, chiếm 55 - 60%. Đặc thù trong sản xuất nông nghiệp còn có 2 - 3 tháng nông nhàn, một bộ phận trẻ em ngoài thời gian đến trường sẽ phụ giúp cha mẹ làm việc. Ngoài ra, còn có một bộ phận trẻ theo gia đình đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; trong số này có em được tiếp tục học tập, nhưng có em phải tham gia lao động sớm, bỏ học giữa chừng…
Từ thực trạng này, các cấp, ngành trong tỉnh tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân để trẻ em không phải làm những công việc đồng áng, dành thời gian học tập nhiều hơn. Điển hình là xã An Phú (xã miền núi, dân tộc, biên giới) của huyện Tịnh Biên, đang thụ hưởng chương trình giảm nghèo của Chính phủ. Toàn xã có 2.117 hộ dân với 8.044 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Khmer 162 hộ (781 người), chủ yếu sống bằng nghề nông và chăn nuôi. Toàn xã có 424 học sinh nghèo và cận nghèo, đây là những em có nguy cơ bỏ học cần phải quan tâm. Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành và Hội Khuyến học, mỗi năm vận động trên 300 triệu đồng, mua thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo, trao học bổng, xe đạp, sách giáo khoa, xe đạp… giúp nhiều em được tiếp tục đến trường; nhiều em đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.
Đặc biệt trong “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2019, tỉnh triển khai nhiều hoạt động lồng ghép với triển khai chiến dịch truyền thông “Chấm dứt xâm hại, bạo lực đối với trẻ em”. Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền cổ động, triển lãm tranh phòng chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, tọa đàm chủ đề “Chấm dứt xâm hại, bạo lực đối với trẻ em”, sinh hoạt chuyên đề “Phòng tránh xâm hại, bạo lực đối với trẻ em”… Các hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là phòng ngừa, giảm số lượng trẻ bị xâm hại, bị bạo lực về thể chất và tinh thần, đảm bảo an toàn cho các em (nhất là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số)…
Vừa qua, với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp tổ chức trại hè cho 90 trẻ em có nguy cơ lao động sớm 3 huyện Chợ Mới, An Phú, Châu Phú và TP. Châu Đốc. Trước đó, 78 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt phải vừa học, vừa làm kiếm sống và phụ giúp gia đình cũng được chọn tham gia trại hè tại tỉnh Lâm Đồng. Đây là một trong những hoạt động thuộc Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tỉnh An Giang, với sự hỗ trợ của tổ chức ILO tại Việt Nam.
Trại hè còn giúp trẻ em hoàn cảnh khó khăn có được sân chơi lành mạnh, bổ ích, biểu dương tinh thần vượt khó trong học tập và cuộc sống. Đồng thời, tạo điều kiện cho các em giao lưu, học hỏi, có cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình. Qua đó, kêu gọi các cấp, ngành và toàn xã hội thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là giúp trẻ em hoàn cảnh đặc biệt biết được các kỹ năng phòng chống lao động sớm, xâm hại trẻ em… và có thể trở thành “tuyên truyền viên” trong lĩnh vực này tại nơi các em sinh sống. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em.
Công ước 138 (C138) về độ tuổi lao động tối thiểu, được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua năm 1973. C138 quy định các quốc gia phải nâng dần độ tuổi tối thiểu lên mức phù hợp với sự phát triển toàn diện nhất về thể chất và tinh thần của thanh thiếu niên. C138 quy định 15 tuổi là độ tuổi lao động tối thiểu nói chung.
Mục đích của C138 là xóa bỏ lao động trẻ em - là những công việc gây nguy hiểm cho sức khỏe, an toàn của trẻ, ảnh hưởng đến giáo dục bắt buộc của trẻ; hoặc đơn giản là những công việc mà trẻ còn quá nhỏ để làm.