Phòng ngừa tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên
Mùa hè, khoảng thời gian được mong đợi nhất của học sinh lại thường đi kèm với những nỗi lo về an toàn giao thông. Khi các em rời xa sự quản lý trực tiếp của nhà trường, đồng thời nhiều phụ huynh bận rộn mưu sinh, việc giám sát con em phần nào bị lơi lỏng. Đây cũng là thời điểm mà nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) trong lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên gia tăng đáng kể.
Những con số đáng báo động
Thống kê từ Ban An toàn giao thông tỉnh Hưng Yên cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã xảy ra 141 vụ tai nạn giao thông, làm 77 người chết và 101 người bị thương. Trong đó, có tới 13 vụ liên quan đến người dưới 18 tuổi, chiếm 9,2% tổng số vụ; làm 5 người chết và 15 người bị thương. Các vụ tai nạn phần lớn xảy ra do các hành vi nguy hiểm như điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, đi sai làn đường...

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông
Điển hình là vụ việc xảy ra vào 21h40 ngày 17/6/2025 tại Quốc lộ 39, thuộc địa phận xã Lương Bằng là một minh chứng rõ ràng. Ba thiếu niên, trong đó có em sinh năm 2010, điều khiển mô tô không biển số đã va chạm với xe ô tô ngược chiều, khiến cả ba bị thương nặng. Theo nhân chứng, xe mô tô đi với tốc độ cao, không bảo đảm an toàn khi sang đường.
Không chỉ ở Hưng Yên, mà theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông năm 2024, toàn quốc xảy ra hơn 23.000 vụ TNGT, trong đó có nhiều vụ liên quan tới học sinh. Riêng nhóm học sinh THCS, THPT chiếm tới 90% số vụ trong lứa tuổi dưới 18. Nguyên nhân chính đến từ việc học sinh tự ý điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, kỹ năng điều khiển còn non kém.
Tâm lý chủ quan, sự buông lỏng quản lý
Thực tế cho thấy, nhiều học sinh hiện nay điều khiển xe máy điện, xe mô tô nhỏ một cách công khai mà không bị nhắc nhở. Không ít em còn phóng nhanh, lạng lách, đi hàng ba, hàng bốn, không đội mũ bảo hiểm... để thể hiện bản thân hoặc “đuổi kịp bạn bè”.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra thanh niên vi phạm trật tự ATGT
Điều đáng nói, không ít phụ huynh còn chủ động giao xe cho con khi chưa đủ tuổi, hoặc cho rằng con “biết đi rồi” là đủ, mà chưa chú trọng đến các kỹ năng lái xe an toàn, kiến thức pháp luật về giao thông. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ở cơ sở vẫn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết và chưa có hình thức răn đe hiệu quả.
Từ tháng 10/2024, Cục Cảnh sát giao thông đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh trên toàn quốc, tập trung vào các lỗi phổ biến như: điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi, độ chế phương tiện, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu... Các hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển xe mô tô có thể bị xử phạt tới 9 triệu đồng. Thậm chí, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người giao xe còn có thể bị khởi tố hình sự.
Cần hành động đồng bộ và quyết liệt
Tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh để lại hậu quả nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần. Để phòng ngừa hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng.
Các nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thông qua tiết học chính khóa, ngoại khóa; nhân rộng mô hình “Sân chơi giao thông an toàn” để học sinh dễ tiếp cận, ghi nhớ và thực hành.
Gia đình cần thường xuyên nhắc nhở, giám sát con em khi tham gia giao thông; tuyệt đối không giao xe máy, xe máy điện cho học sinh chưa đủ tuổi. Việc ký cam kết giữa nhà trường và phụ huynh cần được thực hiện nghiêm túc.

Tuyên truyền Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hướng dẫn lái xe an toàn cho học sinh Trường THCS Trung Hưng
Lực lượng công an cần tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm, đặc biệt vào dịp hè, buổi tối và các tuyến đường đông học sinh. Bên cạnh xử phạt, cần kết hợp giáo dục, răn đe như yêu cầu viết cam kết, mời phụ huynh phối hợp nhắc nhở.
Tai nạn giao thông không chỉ là con số, mà là những mất mát, thương đau, là gánh nặng cả về thể chất và tinh thần với gia đình, nhà trường và xã hội. Để kỳ nghỉ hè trở thành khoảng thời gian an toàn, bổ ích, mỗi học sinh cần nâng cao ý thức, tuân thủ luật giao thông, không để bản thân trở thành nạn nhân của những cú “va chạm tuổi trẻ”.