Phòng ngừa và điều trị rôm sảy bằng Đông y

Rôm sảy là một bệnh lý phổ biến trong mùa nắng nóng. Trên da sẽ nổi những nốt mụn nhỏ li ti, gây nóng rát khó chịu... đặc biệt ở trẻ em, thường làm cho trẻ biếng ăn, mất ngủ hay quấy khóc.

Rôm sảy xuất hiện ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ vai, lưng, ngực, vùng tã lót ở trẻ nhỏ, các nếp gấp của cơ thể. Bệnh gây ngứa nhiều từng cơn trong vài ngày và hết nhanh khi nhiệt độ môi trường mát mẻ, lúc ngừng đổ mồ hôi.

Điều trị rôm sảy bằng cách: Làm cho da mát mẻ, sạch và khô để giảm ngứa, giảm các kích thích; tránh đổ mồ hôi nhiều, dùng quạt điện, máy điều hòa nhiệt độ để làm mát phòng ở, phòng ngủ. Bên cạnh đó có thể dùng một trong số món ăn bài thuốc dễ làm để phòng ngừa và điều trị rôm sảy.

Rôm sảy thường làm cho trẻ biếng ăn, mất ngủ hay quấy khóc

Rôm sảy thường làm cho trẻ biếng ăn, mất ngủ hay quấy khóc

Một số món ăn - bài thuốc phòng ngừa và điều trị rôm sảy

- Cháo đậu xanh: Đậu xanh 60g, gạo tẻ 60g. Hai thứ vo sạch, cho vào nồi, thêm nước nấu cháo, nấu đến khi đậu xanh nở bung ra là được; chia ra 2 lần ăn trong ngày; liên tục 5 - 7 ngày (một liệu trình).

- Cháo ý dĩ, bí xanh: Bí xanh 60g, ý dĩ 30g. Bí xanh rửa sạch, thái miếng, cùng ý dĩ nấu thành cháo. Chia ra ăn, buổi sáng và buổi tối; liên tục 5 - 7 ngày (một liệu trình).

- Trà đậu xanh lá sen: Đậu xanh 60g, lá sen 1 cái, đường phèn lượng thích hợp. Lá sen rửa sạch, thái nhỏ, thêm nước, nấu trong 15 phút, chắt lấy nước, cho đậu xanh vào nấu đến khi chín nhừ; thêm đường phèn vào cho đủ ngọt. Chia ra ăn hết trong ngày; liên tục 5 - 7 ngày.

Cháo đậu xanh hỗ trợ và điều trị rôm sảy

Cháo đậu xanh hỗ trợ và điều trị rôm sảy

Tắm nước lá hỗ trợ điều trị khi bị rôm sảy

Tắm nước lá là cách chữa rôm hiệu quả vì sẽ giúp làm dịu da, làm mát và loại bỏ bụi bẩn để rôm sảy không có cơ hội phát triển và dần biến mất. Vì thế, khi bị rôm chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn cách tắm lá nếu đảm bảo đúng cách, an toàn.

Có thể lấy lá trà xanh, lá tía tô, lá kinh giới, lá sài đất, lá khế lá ngải cứu… rửa sạch, cho vào nồi đun lấy nước tắm.

Có một vài lưu ý là cần sơ chế lá sạch sẽ trước khi nấu nước tắm, tốt nhất nên rửa lá với nước muối loãng. Nếu là trẻ cần tắm bằng nước lá ấm. Khi tắm cần nhẹ nhàng, nhất là vùng nổi rôm để không làm vỡ nốt rôm hoặc trầy xước da bé. Tắm trong khoảng 5 - 7 phút, không tắm quá lâu dễ bị cảm lạnh.

Nếu vết rôm có mủ, chảy nước, sưng đau thì không được tắm nước lá mà cần đi khám để được hướng dẫn cách điều trị hiệu quả.

Cảnh báo tư thế ngồi dễ mắc thoái hóa cột sống I SKĐS

DS Nguyễn Hồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phong-ngua-va-dieu-tri-rom-say-bang-dong-y-169240520215513957.htm