Phóng sự ảnh: Khám phá địa đạo Vịnh Mốc

Địa đạo Vịnh Mốc là một công trình tiêu biểu của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Trong suốt những năm 1965-1972, Vĩnh Linh liên tục bị đánh phá dữ dội nên hệ thống làng hầm địa đạo đã ra đời. Địa đạo Vịnh Mốc trở thành nơi ở của người dân trong những năm chiến tranh ác liệt. Gần 2.000 ngày đêm sống dưới địa đạo nhưng không tổn thất một người nào và rất đặc biệt là đã có 17 trẻ em chào đời.

Địa đạo có độ sâu từ 10-23m, rộng hơn 7ha. Hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm gồm nhiều nhánh thông nhau. Địa đạo có 13 cửa thông ra ngoài, trong đó 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi, mỗi cửa được coi như một lỗ thông hơi. Tại các cửa hầm có cột gỗ để chống sập và sụt lở, tất cả đều đào chếch theo hướng gió, đảm bảo thông thoáng. Nhờ đó đất sét trong lòng địa đạo nên cấu trúc địa đạo cứng và tồn tại gần như nguyên bản cho đến hôm nay.

Năm 1976, địa đạo đã được công nhận là di tích quốc gia. Cuối năm 2014, Khu di tích địa đạo Vịnh Mốc tiếp tục được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Địa đạo Vịnh Mốc là một trong những điểm đến hấp dẫn của tuyến du lịch DMZ (khu vực phi quân sự) và ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan. Đến tham quan địa đạo, du khách được thả bước trên những con đường rợp mát bóng tre, những vườn cao su, hồ tiêu xanh mướt cùng mây trời, biển nước bao la...

Trong khuôn viên khu di tích còn có Bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc luôn mở cửa đón khách. Đây là nơi trưng bày các chứng tích chiến tranh, đặc biệt có bức tranh nổi tiếng To be or not to be (Tồn tại hay không tồn tại) và địa đạo Vịnh Mốc chính là câu trả lời đầy thuyết phục.

Trong lòng địa đạo Vịnh Mốc

Trong lòng địa đạo Vịnh Mốc

Khu trưng bày chứng tích chiến tranh

Bức phù điêu nổi tiếng To be or not to be?

Du khách xuống tham quan địa đạo

Giếng thông hơi

Trà Thiết - Tân Nguyên (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/du-lich/phong-su-anh-kham-pha-dia-dao-vinh-moc/176106.htm