Phóng sự bóc trần sản xuất băng vệ sinh kém chất lượng
Nghệ sĩ Hoàng Tử Thao bỏ hát để bán băng vệ sinh tự sản xuất, mất 460.000 người theo dõi khi tung sản phẩm ưu đãi. Bước đi của ca sĩ tạo tranh luận song vẫn được ủng hộ, nhất là sau khi CCTV vạch trần sự hỗn loạn trong quá trình sản xuất các sản phẩm vệ sinh như băng vệ sinh, tã lót ở Trung Quốc.
Chiêu trò hay cuộc cách mạng?
Tháng 3/2025, nghệ sĩ Hoàng Tử Thao tuyên bố gia nhập ngành hàng băng vệ sinh với cam kết “sản xuất minh bạch”, lập tức tạo nên làn sóng tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội.
Trong buổi livestream, anh công khai chỉ trích những vấn đề nhức nhối trong ngành, đồng thời khẳng định sẽ đích thân điều hành nhà máy “minh bạch hoàn toàn”, nơi toàn bộ quá trình sản xuất được phát sóng 24/7, cho phép người tiêu dùng giám sát trực tiếp.

Hoàng Tử Thao bán 50.000 băng vệ sinh với giá 1 xu, cam kết chất lượng đạt tiêu chuẩn.
“Tất cả đều sản xuất bằng máy móc, người đầu tiên chạm vào sản phẩm là khách hàng”- anh nhấn mạnh. Phát biểu này giúp anh nhận được không ít lời khen ngợi từ cộng đồng mạng.
Tối 11/4, Hoàng Tử Thao tiếp tục livestream để giới thiệu thêm về nhà máy và sản phẩm mới. Anh tung ra 49.500 gói băng vệ sinh dùng thử chỉ với giá 1 xu/gói (3.500 đồng) - toàn bộ được bán hết chỉ trong chưa đầy một phút, nhưng cũng khiến anh mất 460.000 người theo dõi vì bị nghi ngờ "đánh bóng tên tuổi".
Bê bối ngành khiến Hoàng Tử Thao đánh cược danh tiếng
Hồi tháng 3/2025, nhà sáng lập Xiaomi - Lôi Quân - cũng gây xôn xao khi được hỏi liệu có định lấn sân vào ngành băng vệ sinh. Dù chỉ trả lời lửng lơ: “Chỉ cần thị trường cần, Xiaomi cái gì cũng làm được”, câu nói đã làm dấy lên làn sóng người tiêu dùng kêu gọi “Lôi Quân cứu lấy ngành băng vệ sinh”.
Thậm chí xuất hiện hashtag #XiaomiHãyCưúLâýBăngVệSinh. Sự trùng hợp này phơi bày thực trạng đáng báo động: ngành hàng thiết yếu cho phụ nữ đang trong cơn khủng hoảng niềm tin.
Là sản phẩm thiết yếu hàng tháng của phụ nữ, nhưng băng vệ sinh nhiều năm nay liên tục dính bê bối. Chương trình 3.15 của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết chuỗi sản xuất băng vệ sinh, tã lót và đồ lót dùng một lần ở nước này gây rúng động: sản phẩm lỗi bị tái chế, trộn cả rác y tế, dây chuyền sản xuất bẩn thỉu, công nhân làm việc tay không, lượng vi khuẩn trong sản phẩm vượt tiêu chuẩn hàng trăm lần.

Hoàng Tử Thao livestream bán băng vệ sinh.
163 cho hay đầu năm 2025, hàng loạt thương hiệu bị tố sử dụng bông kém chất lượng, chứa chất huỳnh quang vượt ngưỡng và tốc độ thấm hút chỉ đạt 20ml/phút - thấp hơn tiêu chuẩn (30ml/phút). 87% người tiêu dùng lo ngại về “bông đen” (nguyên liệu không rõ nguồn gốc), nhưng 80% thương hiệu phụ thuộc vào gia công, khiến việc truy xuất nguồn gốc gần như bất khả thi.
Dù lợi nhuận gộp ngành vượt 45%, phần lớn các công ty lại đổ tới 60% ngân sách vào quảng cáo. Một số thương hiệu đánh vào giá rẻ, hy sinh chất lượng. Có người dùng bình luận: “Mua băng vệ sinh như mở hộp mù, đặt cược cả mạng sống”.
Các thương hiệu quốc tế như Whisper, Sofy vẫn chiếm lĩnh phân khúc cao cấp (60% thị phần), trong khi thương hiệu trong nước giằng co ở thị trường giá rẻ. Người tiêu dùng thế hệ Z đòi hỏi sản phẩm “không huỳnh quang”, “phân hủy sinh học”, nhưng các thương hiệu truyền thống lại khó theo kịp.
"Người tiêu dùng không chỉ cần giá rẻ, mà còn đòi hỏi độ an toàn. Đây chính là điểm nghẽn mà phương thức truyền thống ở Trung Quốc chưa giải được" - 163 viết.
Cuộc chơi của người ngoài ngành
Chiến lược của Hoàng Tử Thao nhằm thẳng vào khúc mắc này: với mức giá 15 tệ/gói (thấp hơn 30% so với thương hiệu quốc tế), anh phơi bày mức lãi khổng lồ của ngành và đề xuất giải pháp an toàn, minh bạch.
Chỉ sau vài phút, 5 vạn gói dùng thử được bán sạch, cho thấy nhu cầu lớn với sản phẩm an toàn, giá hợp lý.
Trước đó, nam nghệ sĩ đưa ra giấy kiểm duyệt chất lượng sản phẩm, nhấn mạnh đặt cược danh tiếng đầu tư vào ngành. Nhà máy của Hoàng Tử Thao hoạt động tự động, chỉ có khâu đóng gói, gửi đơn là sử dụng nhân công. Bên cạnh đó, họ có phòng riêng dùng đèn soi điểm ố vàng trên bông.
Mất nửa triệu người theo dõi, nhiều người vẫn bênh vực Hoàng Tử Thao. Tờ 163 viết “lịch sử chứng minh những người thật sự cách mạng hóa thường là người ngoài. Xiaomi - từ điện thoại sang pin dự phòng, robot hút bụi nhờ triết lý chất lượng cao - giá thấp, Tesla - dùng phần mềm định nghĩa lại ô tô, đe dọa các hãng xe truyền thống. Hoàng Tử Thao áp dụng mô hình ‘nhà máy thông minh + livestream giám sát', định giá thấp hơn 30% so với hàng nhập khẩu”.

Canh bạc của Hoàng Tử Thao khi dấn thân vào kinh doanh.
Tờ 163 cho rằng những “người ngoại đạo” như Hoàng Tử Thao không bị ràng buộc bởi lợi ích truyền thống, dám phá vỡ quy tắc cũ và mang đến những ý tưởng mới mẻ như giám sát sản xuất qua livestream. Hiệu ứng ngôi sao giúp họ nhanh chóng xây dựng lòng tin và rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường.
Nhiều người nghi ngờ về chất lượng sản phẩm do Hoàng Tử Thao sản xuất, song vẫn nhận định đây là canh bạc sự nghiệp. “Nhiều tranh cãi nhưng cậu ta giữ đúng lời hứa. Đây là nhiều người nổi tiếng khó thực hiện được” - khán giả viết.