'Phòng thí nghiệm nổi' Trung Quốc ý định khảo sát Biển Đông
Ngày 16/5, tàu nghiên cứu hải dương học thông minh đầu tiên của Trung Quốc mang tên Đồng Tế (Tong Ji) đã hoàn tất thành công chuyến thử nghiệm trên biển.

Tàu Đồng Tế dự kiến bắt đầu chuyến khảo sát khoa học đầu tiên tại Biển Đông vào tháng 8 năm nay, kéo dài gần một tháng. (Nguồn: Global Times)
Đồng Tế là tàu nghiên cứu hải dương học đầu tiên do một trường đại học cùng tên của Trung Quốc xây dựng, đánh dấu cột mốc quan trọng trong năng lực khoa học và công nghệ biển của nước này. Theo báo cáo, tàu có trọng tải 2.500 tấn với chiều dài 81,5 mét, được phân loại có thể hoạt động ở mọi vùng biển, ngoại trừ khu vực băng cực. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 15 hải lý/giờ và tốc độ hành trình 11 hải lý/giờ.
Đồng Tế được trang bị các tính năng tiên tiến như dẫn đường tự động trên biển, hỗ trợ cập và rời bến, điều khiển từ xa, giám sát hiệu suất năng lượng và chẩn đoán lỗi.
Theo báo cáo, tàu có khả năng mang theo các thiết bị điều khiển từ xa dưới nước (ROV) và nhiều phòng thí nghiệm container theo mô-đun trên tàu, cho phép hỗ trợ nhiều nhiệm vụ khoa học và hoạt động liên ngành. Tàu tích hợp các khả năng nghiên cứu địa chất, hóa học và sinh học đại dương, trở thành một nền tảng đa năng để thúc đẩy chương trình khoa học biển của Trung Quốc.
Theo ông Tuo Shouting, phó trưởng khoa khoa học đại dương và trái đất tại Đại học Đồng Tế, con tàu này thể hiện một bước tiến quan trọng so với các tàu cùng trọng tải trước đây của Trung Quốc. Các cải tiến bao gồm bố trí tối ưu hơn cho không gian phòng thí nghiệm và boong tàu, tăng cường khả năng tương thích cho các hoạt động đa nhiệm vụ, và khả năng thiết kế theo mô-đun hỗ trợ nhiều loại nhiệm vụ khoa học hơn.