Từ hòa đàm sang 'bình thường hóa': Ông Trump xoay trục chính sách với Nga như thế nào

Trong một bước ngoặt, Tổng thống Trump dường như đã từ bỏ việc tham gia cùng châu Âu thúc đẩy lệnh trừng phạt mới đối với Nga, và háo hức muốn chuyển sang làm ăn với Moskva.

Tổng thống Trump bước xuống chiếc Không lực Một tại căn cứ không quân Andrews, ngày 16/5/2025. Ảnh: NYT

Tổng thống Trump bước xuống chiếc Không lực Một tại căn cứ không quân Andrews, ngày 16/5/2025. Ảnh: NYT

Một bước ngoặt mới

Theo tờ New York Times, trong nhiều tháng, Tổng thống Trump đã liên tục đe dọa sẽ từ bỏ các cuộc đàm phán đình chiến đầy bế tắc giữa Nga và Ukraine. Sau cuộc điện đàm hôm 19/5 với Tổng thống Nga Vladimir Putin, có vẻ như đó chính xác là điều mà ông Trump đang làm. Câu hỏi sâu xa hơn lúc này là liệu ông có đang từ bỏ hẳn nỗ lực kéo dài 3 năm qua của Mỹ nhằm hỗ trợ Ukraine.

Tổng thống Mỹ đã nói với người đồng cấp Volodymyr Zelensky của Ukraine và các lãnh đạo châu Âu sau cuộc gọi với ông Putin rằng Nga và Ukraine sẽ phải tự tìm ra giải pháp cho cuộc chiến - chỉ vài ngày sau khi ông còn khẳng định rằng chỉ ông và Putin mới đủ khả năng làm trung gian hòa giải. Ông cũng đã rút lại lời đe dọa tham gia chiến dịch gây áp lực mới của châu Âu nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung lên Nga - theo lời 6 quan chức nắm được nội dung cuộc trao đổi riêng tư.

Đối với nhiều người, quyết định của ông Trump đã được báo trước, đầu tiên là từ cuộc gặp nảy lửa giữa ông với ông Zelensky tại Phòng Bầu dục, sau đó là việc đại sứ Mỹ tại Kiev từ chức.

Nhưng nhà lãnh đạo Mỹ nhận ra rằng ông không thể có được hòa bình bằng mọi giá, vì ông Putin đã bác bỏ các đề xuất của ông. Ngay cả sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, tuyên bố rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO và phải từ bỏ tham vọng giành lại toàn bộ vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập - hai trong số các đòi hỏi của ông Putin - thì như vậy vẫn chưa đủ để đạt được thỏa thuận đình chiến.

Dĩ nhiên, ông Trump vốn là người ưa dùng sức ép tài chính, với những đe dọa áp thuế và trừng phạt cả đồng minh lẫn đối thủ. Nhưng trong tuyên bố với tờ New York Times, một quan chức Nhà Trắng cho biết đây là trường hợp khác. Vị quan chức này nói rằng các biện pháp trừng phạt bổ sung với Nga sẽ cản trở các cơ hội làm ăn và Tổng thống Trump muốn tối đa hóa lợi ích kinh tế cho người dân Mỹ.

Các quan chức Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, đã phản bác các chỉ trích bằng cách nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga vẫn còn hiệu lực, và việc chia sẻ tin tình báo với Ukraine vẫn tiếp tục. Ngoại trưởng Rubio cũng nhấn mạnh, ông Trump đang “cố gắng chấm dứt một cuộc chiến đẫm máu và tốn kém mà không bên nào có thể thắng".

Tuy nhiên, ẩn ý từ cuộc gọi giữa ông Trump với ông Zelensky và các lãnh đạo châu Âu là: kỷ nguyên Mỹ bỏ ra nguồn lực ngoại giao, viện trợ vũ khí mới cho Ukraine, và áp trừng phạt kinh tế lên Nga đang dần đi đến hồi kết. Một số quan chức châu Âu cho biết thông điệp mà họ rút ra là không nên kỳ vọng Mỹ sẽ sớm cùng họ gia tăng sức ép tài chính lên Nga.

Với Tổng thống Trump, đó là một cú xoay chiều. Trên mạng xã hội trong những tháng qua, ông từng liên tục đe dọa áp thuế và trừng phạt lên Nga nếu nước này không chịu cùng Ukraine tuyên bố đình chiến vô điều kiện trong 30 ngày.

“Nếu lệnh ngừng bắn không được tuân thủ, Mỹ và các đối tác sẽ áp đặt thêm trừng phạt,” ông viết trên Truth Social ngày 8/5 sau cuộc gọi với ông Zelensky. Ông Trump nhắc lại quan điểm này trong cuộc gọi với Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Friedrich Merz - những người từng tới Kiev 10 ngày trước để đưa ra thời hạn cho ông Putin ký thỏa thuận ngừng bắn.

Nhưng sau cuộc gọi hôm 19/5 với ông Putin, các cam kết ấy tan biến. Tổng thống Mỹ từ chối, cả công khai lẫn trong cuộc gọi với lãnh đạo châu Âu, thực hiện lời đe dọa đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 28/2/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 28/2/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Từ "bậc thầy đàm phán” đến "nhà kinh doanh thức thời"

Ông Trump từng hứa hẹn rằng ông sẽ đem lại hòa bình tại Ukraine trong 24 giờ - mô tả đó là công việc đơn giản với một “bậc thầy đàm phán”. Giờ ông thừa nhận điều đó khó hơn ông tưởng, và cho rằng mình chỉ “nói đùa một chút” khi nêu ra thời hạn đó.

Bất bình với tiến độ chậm chạp và sự cứng rắn của các bên, ông Trump đã công khai bày tỏ ý định rút khỏi các cuộc đàm phán. Trong bài đăng hôm 19/5, ông thể hiện rõ mong muốn đưa Mỹ rút khỏi tiến trình đàm phán và chuyển sang làm ăn với Nga.

“Các điều kiện để kết thúc chiến tranh sẽ được thương lượng giữa hai bên - như đúng ra phải vậy - vì chỉ họ mới nắm rõ các chi tiết mà người ngoài không thể biết”, nhà lãnh đạo viết.

Sau đó, ông chuyển sang điều mà một số lãnh đạo châu Âu cho là mục tiêu thực sự của ông: bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Moskva.

“Nga muốn làm ăn lớn với Mỹ khi cuộc ‘tắm máu’ thảm khốc này kết thúc, và tôi đồng tình”, ông Trump nói thêm. “Đây là cơ hội tuyệt vời để Nga tạo ra công ăn việc làm và của cải. Tiềm năng của họ là VÔ HẠN.”

Hiện chưa rõ việc “bình thường hóa” này sẽ như thế nào. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã rút khỏi nhiều hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn với Nga, và hiệp ước cuối cùng còn hiệu lực - New START - sẽ hết hạn vào tháng 2 năm sau. Hiện chưa có cuộc đàm phán nào về hiệp ước thay thế.

Tuy nhiên, ông Trump rất muốn các công ty Mỹ hưởng lợi từ lĩnh vực năng lượng và tài nguyên đất hiếm của Nga, cùng nhiều lĩnh vực đầu tư tiềm năng khác. Đến nay, ông Trump và nhóm an ninh quốc gia của ông vẫn khẳng định rằng sẽ không có thỏa thuận nào xảy ra trước khi đạt được hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Ông Putin dường như hiểu rõ tâm lý háo hức làm ăn của ông Trump, và đã chuyển trọng tâm cuộc gọi giữa hai người sang quan hệ kinh tế tiềm năng. Kết quả là châu Âu đang tiến về phía các lệnh trừng phạt mới, còn Mỹ dường như đang rẽ theo hướng ngược lại - tìm cách vượt qua vấn đề Ukraine và vun đắp mối quan hệ lớn hơn với Nga.

Ngày 20/5, Anh công bố làn sóng trừng phạt mới với quân đội, năng lượng và tài chính Nga, nhằm đáp trả các cuộc không kích bằng drone của Nga vào các thành phố Ukraine.

Thông cáo báo chí của chính phủ Anh công bố các lệnh trừng phạt mới không hề nhắc đến Mỹ, mà chỉ nói rằng Liên minh châu Âu đang chuẩn bị “gói trừng phạt thứ 17 đối với Nga, trong một nỗ lực phối hợp nhằm đảm bảo hòa bình công bằng và bền vững tại Ukraine.”

Sự bất đồng giữa Mỹ và châu Âu về hỗ trợ Ukraine có khả năng sẽ bùng nổ tại hai hội nghị thượng đỉnh diễn ra gần nhau: G7 ở Canada giữa tháng 6 và hội nghị NATO một tuần sau đó ở The Hague (Hà Lan). Đặc biệt, Hội nghị NATO sẽ bàn về việc hỗ trợ lâu dài cho Ukraine và các bước kiềm chế Nga, cũng như kiểm tra xem liệu ông Trump có thực sự sẵn sàng hỗ trợ một nước yếu thế trong NATO theo điều 5 của hiệp ước liên minh hay không.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc (Theo NYT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tu-hoa-dam-sang-binh-thuong-hoa-ong-trump-xoay-truc-chinh-sach-voi-nga-nhu-the-nao-20250521125710590.htm