'Phong tỏa hẹp, xét nghiệm rộng' ứng phó với diễn biến mới của dịch COVID-19
Phong tỏa phải làm thật nghiêm, thật chặt, nếu không sẽ gây thiệt hại không chỉ kinh tế mà còn khiến người dân có tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch.
Việt Nam đang trải qua làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ 4, với những diễn biến mới khi xuất hiện biến chủng Delta từ Ấn Độ, có khả năng lây lan nhanh chóng và đặc biệt dịch bệnh đã xâm nhập vào các khu công nghiệp (KCN).
Chiến lược chống dịch theo 4 phương châm “truy vết thần tốc, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” đang được chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng tiếp tục triển khai linh hoạt trước thực tế và diễn biến mới của dịch bệnh.
Đánh giá về làn sóng dịch thứ 4, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và các chuyên gia cho rằng, mầm bệnh đã có trong cộng đồng, do vậy phải đẩy mạnh chiến lược khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc, xét nghiệm rộng và nhanh. Đặc biệt, khi dịch xuất hiện trong các khu công nghiệp, các biện pháp phòng, chống sẽ rất khác do số lượng người cần xét nghiệm, truy vết, cách ly và điều trị vô cùng lớn.
Các chuyên gia dịch tễ đặc biệt lưu ý, diễn biến đợt dịch thứ 4 này lây chủ yếu trong môi trường kín như quán bar, karaoke và lây trong khu công nghiệp - nơi có môi trường kín và sử dụng điều hòa. Do vậy, dịch sau khi xâm nhập vào các KCN có thể lây chéo nhanh chóng giữa các phân xưởng, các nhà máy rồi lan ngược lại ra các khu vực nhà trọ của công nhân và khu vực dân cư xung quanh.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trong đợt dịch thứ 4 hiện nay tại Việt Nam, điều cần quan tâm là những biến chủng virus lây lan nhanh hơn, khiến bệnh nặng hơn. Ông Phu nhấn mạnh, biện pháp chống dịch hiện nay được thực hiện theo chiến lược truy vết dịch tễ, khoanh chặt và khoanh vùng, cách ly giảm dần theo nguy cơ.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Các tỉnh phải hết sức lưu ý việc quyết định phạm vi khoanh vùng phong tỏa. Có những nơi dịch chỉ ở một thôn, một vài xã nhưng lại khoanh vùng cả huyện, cả thành phố, mà không hiệu quả do không đủ người để kiểm soát chặt. Vì vậy, đã xác định được ổ dịch phải khoanh gọn nhất có thể và kiểm soát thật chặt từ bên trong điểm phong tỏa”.
Thực tế, tại các địa phương đều ghi nhận tình trạng ca mắc mới tăng cao trong các khu vực phong tỏa. Do vậy, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu với các địa phương khi thực hiện giãn cách xã hội, khoanh vùng, phong tỏa phải cân nhắc việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng mà linh hoạt trong việc phong tỏa theo diện hẹp, đến tận xã, phường, khu dân cư theo mức nguy cơ. Đã khoanh vùng phải khoanh thật chặt, nếu không sẽ gây thiệt hại không chỉ kinh tế mà còn khiến người dân có tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch.
“Trường hợp chưa khoanh được hẹp ngay thì khoanh vùng rộng nhưng phải làm rất nghiêm để tập trung lấy mẫu xét nghiệm rất nhanh trong một vài ngày, xác định được đúng các ổ dịch, nguồn lây để thu hẹp khu vực phong tỏa, đúng trọng tâm, trọng điểm. Chính quyền địa phương tại những nơi không thực hiện phong tỏa, khoanh vùng cần yêu cầu người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K, hạn chế di chuyển, đi lại, tăng cường khai báo y tế, kiểm soát dịch bệnh…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.
Kinh nghiệm phòng, chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy, ngay khi xuất hiện ca mắc trong các khu công nghiệp, thay vì cho công nhân nghỉ làm đồng loạt, các lực lượng phải khẩn trương xác định, khoanh vùng ngay khu vực phân xưởng, dây chuyền có nguy cơ cao, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất, giữ khoảng cách để giữ an toàn cho công nhân cũng như cộng đồng.
Trong khi đó, so với các đợt dịch năm ngoái, Đà Nẵng đã bình tĩnh hơn trong ứng đợt dịch lần này, với nhiều cách làm mới, không phong tỏa diện rộng và dài ngày một cách tràn lan, theo đó, không gây xáo trộn nhiều đến sinh hoạt của người dân.
Phong tỏa hẹp, xét nghiệm rộng là cách làm hữu hiệu tại Đà Nẵng. Cụ thể, đã có 4 khu chợ bị phong tỏa khi có ca mắc COVID-19 tới. Nhưng chỉ sau 1 ngày - ngay sau khi xét nghiệm diện rộng cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, 4 khu chợ đã trở lại hoạt động bình thường.
Kinh nghiệm được đúc rút là linh hoạt trong phong tỏa cứng, phong tỏa mềm, phân quyền cho lãnh đạo địa phương chủ động phòng chống dịch. Với lệnh phong tỏa cứng thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, trong khi phong tỏa mềm, người dân vẫn được ra vào nhưng phải kiểm soát nghiêm ngặt.
Đây cũng là thời điểm kích hoạt và phát huy hiệu quả vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế trong rất nhiều cuộc làm việc với các địa phương đều nhấn mạnh vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, phát huy tôi đã hiệu quả chống dịch./.