Phong tỏa kịp thời, lấy mẫu cấp tốc: Kinh nghiệm để Đà Nẵng sớm khống chế dịch lây lan

Lần này, ngành Y tế Đà Nẵng áp dụng chiến lược 'phong tỏa kịp thời- lấy mẫu thần tốc' đã phát huy hiệu quả, hạn chế tối đa lây chéo trong cộng đồng.

Sau hơn 1 tháng không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, ngày 18/6 vừa qua, Đà Nẵng phát hiện ca mắc mới là nhân viên bảo vệ Công ty nhựa Duy Tân bị lây nhiễm bởi lái xe chở hàng từ TP Hồ Chí Minh chạy vào Đà Nẵng. Ngay sau đó, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh từ 5 lên 18, 60 ca nhưng chỉ sau 1 tuần, toàn bộ chùm lây nhiễm này đã cơ bản được khoanh vùng, khống chế.

Có thể thấy, bên cạnh chiến lược “phong tỏa hẹp- xét nghiệm rộng” lần này, ngành Y tế Đà Nẵng áp dụng chiến lược “phong tỏa kịp thời- lấy mẫu thần tốc” đã phát huy hiệu quả, hạn chế tối đa lây chéo trong cộng đồng.

Xe cấp cứu chuẩn bị chuyển 1 ca F1 thành F0 đi bệnh viện điều trị.

Xe cấp cứu chuẩn bị chuyển 1 ca F1 thành F0 đi bệnh viện điều trị.

Cả tuần nay, ngay sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 mới ngoài cộng đồng, UBND phường Thạc Gián, quận Thanh Khê sử dụng loa truyền thanh phát đi thông báo yêu cầu người dân tự giác khai báo y tế, ở yên trong nhà không ra ngoài và khẩn trương xét nghiệm để sàng lọc SARS-CoV-2. Trước đó, vào lúc 2 giờ chiều ngày 18/6, sau khi tiếp nhận thông tin một nhân viên bảo vệ Công ty nhựa Duy Tân ở số 145 đường Điện Biên Phủ mắc Covid-19, hệ thống y tế các phường Thạch Gián, An Khê và quận Thanh Khê được kích hoạt.

Bác sĩ Dương Thái Thu Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Khê nhớ lại, từ 5 giờ chiều ngày 18/6 đến 7 giờ sáng hôm sau, gần 1.000 người dân ở xung quanh khu vực 145 Điện Biên Phủ và tam giác khu dân cư Hoàng Hoa Thám- Lê Duẩn- Lý Thái Tổ, đặc biệt là hẻm 407 Lê Duẩn được lấy mẫu xét nghiệm, xác định xong F1, F2 và cả các F liên quan.

Ngay sau khi phát hiện ca Covid-19 kiệt 407 Lê Duẩn tạm thời phong tỏa mềm sau đó phong tỏa cứng.

Ngay sau khi phát hiện ca Covid-19 kiệt 407 Lê Duẩn tạm thời phong tỏa mềm sau đó phong tỏa cứng.

“Biết được F1 thì phải truy vết cả F2 và F3. Ngay lập tức trong vòng 2 tiếng đồng hồ phải chuyển F1 lên khu cách ly và khi lên khu cách ly F1 phải lấy mẫu ngay để có kết quả sớm nhất có thể có của CDC. Nếu F1 là F0 thì mình sẽ tiếp tục cách ly F2 đẩy lên F1, cách ly sớm nhất. Truy vết phải thần tốc. Đầu năm 2020 có thể lúng túng nhưng bây giờ tất cả hoạt động trở thành hệ thống. Phong tỏa kịp thời và lấy mẫu cấp tốc sẽ giúp cho chúng ta giải quyết được F0", bác sĩ Hải cho biết.

Công tác khoanh vùng, truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm trong đợt chống dịch này cho thấy, kinh nghiệm của lực lượng phòng chống dịch Covid-19 nâng lên đáng kể. Chính quyền các địa phương, đội ngũ cán bộ y tế và người dân đã chủ động phối hợp, giúp cho việc khoanh vùng, khống chế dịch nhanh gọn, hiệu quả hơn.

Lấy mẫu xét nghiệm người dân sáng ngày 19-6 sau khi phát hiện 1 ca Covid-19.

Lấy mẫu xét nghiệm người dân sáng ngày 19-6 sau khi phát hiện 1 ca Covid-19.

Tại tổ 4 phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, sau khi có thông tin 1 ca mắc Covid-19, người dân chủ động khai báo y tế, tự cách ly trong nhà, khu dân cư cùng địa phương ngăn chặn dịch lây lan.

Chị Hoàng Khánh Linh, người dân phường Thạc Gián, quận Thanh Khê chia sẻ: “Nghe cái là họ phong tỏa liền rồi xe y tế tới nhanh lắm. Nhà cũng có bé em dâu bị F2 thôi nhưng họ tới phong tỏa liền luôn, nói chung làm nhanh. Cũng yên tâm vì thành phố mình làm nhanh".

Khu vực cách ly y tế và chuẩn bị đưa F0 đi cách ly.

Khu vực cách ly y tế và chuẩn bị đưa F0 đi cách ly.

Sau các đợt dịch Covid-19, TP Đà Nẵng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Các chiến lược phòng chống thay đổi theo từng diễn biến của dịch bệnh như “xét nghiệm rộng, cách ly cứng, giãn cách mềm”, hay “khoanh vùng hẹp- xét nghiệm rộng”, “thần tốc truy vết” và đến nay là “Phong tỏa kịp thời- lấy mẫu cấp tốc”. Đà Nẵng đã có cách ứng biến rất hợp lý, sáng tạo trong phòng, chống dịch bệnh.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong việc chủ động xét nghiệm gộp 5 mẫu, rồi gộp 10 mẫu theo tinh thần thần tốc truy vết và chủ động trao đổi thông tin tình hình dịch tễ với các địa phương.

“Chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi thông tin với các tỉnh trong địa bàn cả nước để theo dõi tình hình dịch. Cho nên khi có 1 thông liên quan đến tình hình dịch bệnh thì đội truy vết đó họ bắt tay vào làm việc ngay. Đặc biệt chúng tôi không chỉ điều tra thông tin của F0 để mà truy F1 mà chúng tôi còn phải truy cả F2 nữa và thu thập thông tin sẵn sàng để ki F1 trở thành F2 thì chúng tôi có sẵn thông tin để truy vết, khoanh vùng", bác sĩ Tôn Thất Thạnh nói./.

Thành Long/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/phong-toa-kip-thoi-lay-mau-cap-toc-kinh-nghiem-de-da-nang-som-khong-che-dich-lay-lan-868712.vov