Phong tỏa linh hoạt trong ngăn chặn lây lan Covid-19
Đã có 49 tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ tư này. Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng số ca mắc ở TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương được các chuyên gia dịch tễ chỉ rõ là do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Tổ chức Y tế thế giới chia các biến thể của virus SARS-CoV-2 làm hai nhóm là biến thể đáng quan tâm và biến thể đáng quan ngại; trong đó chủ yếu là biến thể đáng quan ngại, gồm: Alpha (phát hiện ở Anh); Beta (phát hiện ở Nam Phi); Gama (phát hiện ở Brazil); Delta (phát hiện ở Ấn Ðộ). Biến thể đáng quan ngại được khẳng định có liên quan đến sự gia tăng đáng kể khả năng lây lan; làm thay đổi tình hình dịch tễ Covid-19 một cách tiêu cực; tăng độc lực vi-rút, làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng…
Nếu như biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với chủng cũ thì biến thể Delta có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40 đến 60%. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các ca nhiễm biến thể Delta cao hơn so ca nhiễm biến thể Alpha… Các chuỗi lây nhiễm tại nhiều địa phương cũng ghi nhận chủ yếu tại các hộ gia đình, nơi ăn uống chung, chợ đông người, nhà máy...
Những nghiên cứu mới đó là căn cứ rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp ứng phó dịch. Ðến nay, các địa phương vẫn đang áp dụng chiến lược chống dịch theo bốn phương châm “truy vết thần tốc, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”, nhưng có sự linh hoạt trước thực tế và diễn biến mới của dịch bệnh. Những ngày qua, tại nhiều địa phương như Ðồng Tháp, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu… đều áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly ở các quy mô khác nhau để ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Tuy nhiên, phong tỏa phải làm thật nghiêm, thật chặt, nếu không sẽ gây thiệt hại không chỉ kinh tế mà còn khiến người dân có tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch. Hiện nay, mầm bệnh đã có trong cộng đồng, do vậy cần đẩy mạnh khoanh vùng, nhưng phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc, xét nghiệm rộng và nhanh. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các chuyên gia dịch tễ đã nhiều lần lưu ý các địa phương phải cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định phạm vi khoanh vùng phong tỏa. Tuyệt đối tránh tình trạng nơi dịch chỉ ở một thôn, một vài xã nhưng lại khoanh vùng cả huyện, cả thành phố, mà không hiệu quả do không đủ người để kiểm soát chặt. Khi đã xác định được ổ dịch cần khoanh gọn nhất có thể và kiểm soát thật chặt bên trong điểm phong tỏa, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, đi lại giữa các địa điểm trong khu vực giãn cách...
Ðáng chú ý, những ngày gần đây, tại các địa phương vẫn ghi nhận tình trạng ca mắc mới tăng cao trong các khu vực phong tỏa. Do vậy, các địa phương khi thực hiện giãn cách xã hội, khoanh vùng, phong tỏa phải cân nhắc việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng; linh hoạt trong việc phong tỏa theo diện hẹp, đến tận xã, phường, khu dân cư theo mức nguy cơ. Trường hợp chưa khoanh được hẹp ngay thì khoanh vùng rộng nhưng phải làm rất nghiêm để tập trung lấy mẫu xét nghiệm rất nhanh trong một vài ngày, xác định được đúng các ổ dịch, nguồn lây để thu hẹp khu vực phong tỏa, đúng trọng tâm, trọng điểm.
Kinh nghiệm ứng phó dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang đầu tháng 5 vừa qua cho thấy, ngay khi xuất hiện ca mắc trong các khu công nghiệp, thay vì cho công nhân nghỉ làm đồng loạt, các lực lượng tập trung xác định, khoanh vùng ngay khu vực phân xưởng, dây chuyền có nguy cơ cao, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất, giữ khoảng cách để giữ an toàn cho công nhân cũng như cộng đồng. Hay như tại Ðà Nẵng và một số địa phương đã không phong tỏa diện rộng và dài ngày một cách tràn lan, theo đó thực hiện phong tỏa hẹp, xét nghiệm rộng… Những cách làm đó rất phù hợp, cần được nhân rộng tại các địa phương để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch, từ đó thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.