'Phong tỏa' - Từ khóa tiêu biểu của năm

QĐND- Từ 'lockdown' (tạm dịch là 'phong tỏa' hoặc 'đóng cửa') vừa được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ của trang từ điển nổi tiếng thế giới Collins lựa chọn làm từ khóa tiêu biểu nhất của năm 2020.

Theo định nghĩa của từ điển Collins, từ khóa “phong tỏa” đã phản ánh trải nghiệm chung của hàng tỷ người dân trên thế giới khi dịch Covid-19 lây lan với tốc độ chóng mặt, khiến chính phủ các quốc gia ban bố lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch. Nó cũng cho thấy người dân thế giới đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống đại dịch Covid-19 bằng việc hạn chế các hoạt động.

Số liệu Collins ghi nhận cho thấy đã có hơn 250 nghìn lượt từ "phong tỏa" được sử dụng từ đầu năm đến nay, chủ yếu trên các website, sách báo, đài phát thanh, truyền hình. Trong khi đó, năm ngoái chỉ ghi nhận sử dụng 4 nghìn lượt từ này.

 Các bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Varese, Italy. Ảnh: AP.

Các bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Varese, Italy. Ảnh: AP.

Theo CNN, từ “phong tỏa” bắt đầu xuất hiện trên các bản tin thời sự vào tháng 1 năm nay, khi chính quyền thành phố Vũ Hán của Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt để phòng, chống một loại virus mới lây lan. Kể từ đó, rất nhiều quốc gia đã ban hành lệnh phong tỏa với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chưa từng có nhằm tránh sự tiếp xúc trực tiếp giữa con người với con người, biến năm 2020 trở thành một năm không giống bất kỳ năm nào trong lịch sử hiện đại.

Theo bà Helen Newstead, nhà tư vấn ngôn ngữ của Collins, dịch Covid-19 đã thống trị năm 2020. Bà cho rằng biện pháp phong tỏa đã ảnh hưởng đến cách thức chúng ta làm việc, học tập, mua sắm và quan hệ xã hội. Đương nhiên, nó cũng tác động đến cách thức chúng ta sử dụng ngôn ngữ trong đời sống hằng ngày. Điều này được phản ánh ở việc 6/10 từ khóa tiêu biểu của năm 2020 đều có liên quan đến cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. “Virus Corona”, “giãn cách xã hội”, “tự cách ly”, “yêu cầu nghỉ việc tạm thời”, cũng như “phong tỏa” và “người lao động then chốt” đã được bổ sung vào danh sách các từ tiêu biểu của năm 2020. Trong đó, chỉ riêng từ “người lao động then chốt” đã được sử dụng nhiều gấp 60 lần trong năm nay.

Cũng vì tầm ảnh hưởng quá lớn của đại dịch, nhiều ý kiến nhận định rằng, việc lựa chọn từ khóa tiêu biểu của năm nay khá dễ dàng. “Không có gì ngạc nhiên khi khá nhiều từ trong danh sách mà Collins nêu ra có một điểm chung lớn là đều liên quan tới đại dịch”, từ điển này cho biết.

Chỉ còn khoảng 1 tháng rưỡi nữa năm 2020 sẽ khép lại, tuy nhiên tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Trước tình trạng số ca mắc mới Covid-19 tiếp tục tăng vọt, nhiều quốc gia, trong đó đáng chú ý là các nước châu Âu đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tái phong tỏa nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. Thế nhưng phong tỏa như thế nào và phong tỏa bao lâu để không gây ra những tổn thất quá lớn cho nền kinh tế vẫn là câu hỏi mà nhiều quốc gia đang đi tìm câu trả lời.

Tại Italy, quốc gia từng là điểm nóng dịch bệnh khi làn sóng Covid-19 đầu tiên bùng phát ở châu Âu, những biện pháp phong tỏa giờ đây trở thành bài toán hóc búa, nan giải khi mà điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế vốn đã mong manh của Italy sẽ ngày càng lao đao hơn.

Trong bối cảnh “bóng ma” Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu buông tha quốc gia này, nhiều khu vực, chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế đất nước, đang bị áp đặt các lệnh phong tỏa cục bộ. Không thể phủ nhận hiệu quả của các biện pháp hạn chế hiện nay đối với việc kiểm soát dịch bệnh nhưng tác động của chúng đối với nền kinh tế đất nước hình chiếc ủng cũng đang ngày một rõ rệt hơn. Những con phố sầm uất trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Hàng loạt trung tâm thương mại, nhà hát, rạp chiếu phim đều trong tình trạng đóng cửa. Dịch bệnh bùng phát trở lại cũng khiến ngành du lịch Italy chịu tổn thất nặng nề.

Chính phủ Italy hiện vẫn tìm cách tránh việc áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc như hồi đầu năm. Bởi theo phân tích của một số chuyên gia, một lệnh phong tỏa toàn quốc mới có khả năng sẽ khiến quốc gia này tổn thất khoảng 10 tỷ euro mỗi tháng.

Tuy nhiên, đứng trước tình trạng ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh chóng, gây áp lực lớn tới hệ thống y tế, những biện pháp hạn chế cứng rắn hơn nữa trên phạm vi cả nước sẽ là lựa chọn khó tránh khỏi của Italy, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Làm sao cân bằng giữa phong tỏa chống dịch và mở cửa thông thương sẽ là câu đố mà mỗi quốc gia đều sẽ phải tự tìm lời giải phù hợp cho chính mình.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/phong-toa-tu-khoa-tieu-bieu-cua-nam-643790