Phòng tránh đuối nước cho trẻ khi đi bơi mùa hè
Thời gian nghỉ hè các bậc phụ huynh thường cho con em mình đi bơi, vừa giúp trẻ rèn luyện sức khỏe vừa có thể giải nhiệt thoải mái. Tuy nhiên, cần lưu ý nhắc nhở trẻ để phòng tránh đuối nước trong mỗi dịp hè về.
Nội dung:
1. Vì sao đuối nước thường dẫn đến tử vong?
2. Phòng tránh đuối nước cho trẻ
3. Cách xử lý khi trẻ bị đuối nước
Thời tiết nắng nóng của mùa hè cộng thêm được nghỉ hè nên các bậc phụ huynh thường cho con em tham gia nghỉ mát, tắm biển, đi bơi. Bơi lội tuy có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Đặc biệt khi trẻ tự rủ nhau đi tắm ở sông, suối, ao, hồ... Chính vì vậy, người lớn cần có hiểu biết về cách phòng tránh đuối nước và xử trí tai nạn đuối nước để hạn chế những trường hợp thương tâm xảy ra.
1. Vì sao đuối nước thường dẫn đến tử vong?
Đuối nước là tình trạng xảy ra khi nước tràn vào đường hô hấp, từ đó làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp chết đuối nhưng trong phổi không có nước.
Tình trạng chết đuối trong khi không có nước ở phổi là do nạn nhân bất ngờ bị chìm trong nước, hoảng sợ khiến các phản xạ rối loạn. Càng hoảng loạn, cơ thể càng bị chìm dẫn đến phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản nên nước không thể vào phổi. Nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và bất tỉnh. Trường hợp này gọi là chết đuối khô.
2. Phòng tránh đuối nước cho trẻ
Để phòng tránh đuối nước cho trẻ khi đi bơi mùa hè, các bậc phụ huynh cần chú ý nhắc nhở con em mình ghi nhớ những điều sau đây:
- Tuyệt đối không được bơi ở sông suối, hồ vắng không có người trông coi.
- Không được xuống nước nếu chưa có sự cho phép của người lớn, đặc biệt khi trẻ chưa biết bơi.
- Khi đi biển hoặc bơi ngoài trời cần chú ý thời tiết. Không bơi khi có thời tiết xấu như mưa, giông, bão....
- Trẻ em chỉ nên tắm gần bờ, không để nước ngập quá ngực. Không ra chỗ nước sâu nếu chưa biết bơi hoặc biết bơi nhưng không có sự giám sát của người lớn.
- Không nhảy từ trên cao xuống mặt nước để tránh gây thương tích cho chính mình và cho người xung quanh.
- Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như mũ bơi, kính bơi, áo phao, nút tai, khăn lông, nước muối sinh lý nhỏ mắt, súc họng, dầu nóng,… để sử dụng lúc cần thiết.
- Nên để trẻ bơi ở những hồ bơi phù hợp với lứa tuổi.
- Ghi nhớ cần khởi động kỹ các khớp trước khi bơi để tránh chuột rút dẫn đến đuối nước.
- Không ăn quá no trước khi bơi.
- Cần tuân thủ nghiêm ngặt mọi nội quy bể bơi, không chạy lung tung để tránh trơn trượt dễ ngã.
- Tuyệt đối không để trẻ bơi vào buổi trưa từ 11 giờ đến 3 giờ chiều để tránh bị cảm nắng.
- Không nên đi bơi nên trẻ đang mắc các bệnh hen phế quản, bệnh đường hô hấp mạn tính như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn... vì gặp lạnh đột ngột có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn.
3. Cách xử lý khi trẻ bị đuối nước
Phòng tránh đuối nước là vô cùng quan trọng để tránh các trường hợp xấu xảy ra. Tuy nhiên, người lớn cũng cần phải nắm rõ các nguyên tắc xử lý khi trẻ bị đuối nước để kịp thời cấp cứu:
- Khi thấy trẻ bị đuối nước, cần đưa trẻ ra khỏi nước càng nhanh càng tốt. Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Gọi cấp cứu ngay lập tức.
- Trong trường hợp trẻ bất tỉnh, hãy quan sát lồng ngực để kiểm tra xem trẻ có còn thở hay không. Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ ngưng thở. Lúc này, cần tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực ở vị trí nửa dưới xương ức. Đồng thời cần tiến hành thổi ngạt và quan sát cơ thể trẻ có phản ứng lại hay không.
- Nếu trẻ không phản ứng, môi tím tái, vần tiếp tục xoa bóp tim ngoài lồng ngực va thổi ngạt ngay cả khi đang di chuyển tới cơ sở y tế.
- Nếu trẻ vẫn tự thở được, cần đặt trẻ ở tư thế nghiêng một bên giúp chất nôn dễ thoát ra ngoài. Cởi bỏ quần áo ướt và giữ ấm bằng cách đắp chăn hay một tấm khăn khô lên người.
- Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay cả khi biểu hiện bên ngoài như bình thường hoặc hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước.
Hướng dẫn phòng bệnh tai - mũi - họng khi cho trẻ đi bơi vào mùa hè