Phòng, tránh lừa đảo trong dịp du xuân

Lợi dụng nhu cầu đặt phòng khách sạn, khu nghỉ dưỡng tăng cao khi nhiều gia đình, tập thể tổ chức du xuân, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để 'giăng bẫy' trên mạng xã hội nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn tinh vi

Dù đã có nhiều cảnh báo được đưa ra, nhưng các đối tượng xấu liên tục thay đổi chiêu trò, đánh vào tâm lý ham giá rẻ và sự chủ quan của khách hàng nên ngay từ những ngày đầu xuân năm mới đã có không ít người bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền rất lớn, xuất phát từ nhu cầu đặt phòng khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên mạng xã hội và thậm chí là qua các ứng dụng trên điện thoại.

Đơn cử, mới đây, tài khoản Facebook Nguyen Tien Phuc chia sẻ lên mạng xã hội sự việc người quen của mình bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng tại fanpage mang tên "Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Binh". Theo nội dung bài đăng, vị khách đã liên hệ với trang Facebook Minawa Kênh Gà ở Ninh Bình (có tích xanh) để đặt phòng cho hai người lớn và hai trẻ em, thời gian từ ngày 31.1 tới 3.2 tại khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà ở Ninh Bình.

Sau khi nhắn tin trên trang fanpage của khu nghỉ dưỡng, khách được nhân viên tư vấn mức giá phòng cuối tuần có giá từ 2,9 triệu đồng, ngày lễ, Tết từ 3,6 triệu đồng cho hạng phòng Twin Room (phòng đôi). Qua quá trình trao đổi, khách chốt phòng rồi chuyển khoản tiền cọc cho khu nghỉ dưỡng 6,5 triệu đồng cho 2 phòng. Tuy nhiên, phía khu nghỉ dưỡng báo lại khách đã gửi chuyển khoản sai nội dung và yêu cầu khách sao chép mã do bên khu nghỉ dưỡng cung cấp vào nội dung chuyển khoản để phòng kế toán xác nhận.

 Các đối tượng giả mạo thông tin về những khách sạn lớn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp

Các đối tượng giả mạo thông tin về những khách sạn lớn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp

Sau nhiều lần liên tiếp khách chuyển khoản đều bị báo sai nội dung. Những lần tiếp theo, vị khách tiếp tục bị lừa chuyển hơn 39,5 triệu đồng; 125,6 triệu đồng; 379,6 triệu đồng và 485,6 triệu đồng. Tổng số tiền đã chuyển lên tới hơn 1 tỷ đồng. Cuối cùng, khách không thể liên lạc được với khu nghỉ dưỡng mới biết đã bị lừa và báo cơ quan công an địa phương.

Có thể thấy, hiện nay các thủ đoạn lừa ngày càng tinh vi và khó nhận diện ngay cả với người có kiến thức. Các đối tượng thường lập fanpage giả mạo của tất cả các khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Thậm chí, có những trang giả mạo đạt lượng tương tác lớn và cao hơn cả fanpage thật của các cơ sở lưu trú. Trong khi đó, theo tâm lý chung của du khách sẽ có xu hướng chọn những trang có nhiều tương tác lớn. Đáng nói, để tránh bị nghi ngờ các đối tượng sẽ sử dụng con dấu, số tài khoản công ty để tạo lòng tin với khách hàng.

Sau khi khách chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ thêu dệt lên vô vàn lý do để khẳng định nội dung chuyển tiền của khách chưa chính xác và yêu cầu khách làm theo hướng dẫn để được hoàn tiền. Đánh vào tâm lý khách hàng "đâm lao phải theo lao để lấy tiền lại", các đối tượng sẽ liên tiếp yêu cầu khách hàng chuyển tiền với số tiền ngày càng tăng thêm.

Cần đề cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, có nhiều chế tài để xử lý những đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Tùy vào dấu hiệu, mức độ của hành vi, số tiền lừa đảo, chiếm đoạt và phương thức sử dụng để lừa đảo mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, và “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn Âu Lạc (Du Lịch Âu Lạc) Nguyễn Tiến Hải cho biết, hình thức lừa đảo khi đặt phòng khách sạn, homestay... qua mạng xã hội không mới, song thời gian gần đây xuất hiện nhiều hơn. Nhiều trang đưa ra các gói đặt phòng với mức giá hấp dẫn và thấp hơn con số thật để hút khách nên không ít người bị mắc bẫy. Có những fanpage được chạy quảng cáo nên đạt lượng tương tác cao, thậm chí có cả tích xanh, tư vấn rất chuyên nghiệp, nếu không tỉnh táo du khách dễ bị lừa đảo.

“Khách hàng cần phải kiểm tra được các thông tin của người cung cấp dịch vụ là chính chủ. Ví dụ, với đại lý phải có giấy tờ chứng minh làm dịch vụ du lịch như giấy phép kinh doanh, văn phòng địa chỉ, trang web... Với chủ của dịch vụ như khách sạn, homestay... phải kiểm tra được địa chỉ, hình ảnh trực tiếp và số tài khoản chính chủ để chứng minh là chủ của dịch vụ đó hoặc bảng giá có dấu đỏ... nếu trong thời gian ngắn không cung cấp được hình ảnh giá của sản phẩm dịch vụ mình cung cấp có dấu đỏ thì khả thi cao là lừa đảo. Đặc biệt, không nhấn vào các link lạ, yêu cầu cung cấp mã OTP” anh Hải nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, để phòng tránh lừa đảo, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn dịch vụ đặt phòng nghỉ trên mạng, nên lựa chọn những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân hoặc các trang đặt phòng, khách sạn uy tín; đặc biệt, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ.

Người dân nên kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, lấy số điện thoại của khách sạn gọi xác minh trước khi chuyển tiền cọc; cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn so với giá chung của thị trường.

Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phong-tranh-lua-dao-trong-dip-du-xuan-post403974.html