Phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi vào hè

Số liệu thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 3 tháng đầu năm 2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia y tế, mùa hè thời tiết nắng nóng, cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng giảm, trong khi thức ăn dễ bị ôi thiu, biến chất, đây là điều kiện rất lý tưởng cho vi sinh vật phát triển gây bệnh. Do đó, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm là có thể dẫn đến ngộ độc.

Liên tiếp bắt giữ nhiều lô thực phẩm không rõ nguồn gốc

Mới đây, thực hiện công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021 theo chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Bình Phước, Cục QLTT Bình Phước đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, vào lúc 02h30 ngày 09/5/2021, tại khu vực chợ Đồng Xoài, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 6 đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Đồng Xoài và Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra đột xuất phát hiện 300kg thịt lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Tô.V.T là chủ của số thịt lợn trên đã không cung cấp được giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, tiếp tục kiểm tra tại khu vực kinh doanh của cơ sở lực lượng chức năng còn phát hiện một số thịt lợn đã được đưa lên bếp chuẩn bị công đoạn khò để làm vàng da. Tại đây có 4 bình gas lớn và một tủ cất đông chứa thịt lợn đã qua công đoạn khò.

Tiếp tục kiểm tra, vào lúc 03h15 cùng ngày 09/5/2021, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 6 phối hợp với các lực lượng chức năng trên tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài do ông Thân.V.T làm chủ, phát hiện tại cơ sở này 364kg thịt heo không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật.

Đội QLTT số 6 đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt đối với chủ 02 cơ sở nói trên, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 664kg thịt lợn vi phạm.

Cũng trong đợt cao điểm kiểm tra các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, bằng các biện pháp nghiệp vụ, vào lúc 15h40 ngày 13/5/2021, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 94C-012.65 do lái xe Bùi Văn Ngân (trú tại thôn Đồng Xã, huyện Vinh Phương, tỉnh Khánh Hòa) điều khiển theo hướng từ Nam ra Bắc.

Qua kiểm tra, phát hiện trên xe có vận chuyển 170kg thịt gà (trị giá 22,5 triệu đồng) không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã bốc mùi hôi thối. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số lượng hàng hóa trên. Đội QLTT số 4 đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiêu hủy toàn bộ 170kg thịt gà theo quy định của pháp luật.

Tại Bạc Liêu, qua công tác giám sát địa bàn và thông tin từ cơ sở, sáng ngày 04/5/2021 tại ấp Nội Ô, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT Bạc Liêu phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Hồng Dân tiến hành khám phương tiện vận tải xe ô tô mang biển kiểm soát 94C-004.76 do ông Nguyễn Văn Đâu ngụ tại xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu trực tiếp điều khiển phương tiện.

Tại thời điểm khám phương tiện vận tải, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 100kg thực phẩm đông lạnh là thịt trâu không có nhãn hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xứ xuất. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt 8.000.000 đồng và tịch thu tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa nêu trên.

Thực phẩm sạch, an toàn phải “từ trang trại đến bàn ăn”.

Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm

Theo các chuyên gia y tế, ngoài yếu tố mất an toàn do nguyên liệu đầu vào không được kiểm soát, nguy cơ gây ngộ độc của thực phẩm còn tăng thêm do hóa chất độc hại cũng có thể được sử dụng trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm. Chẳng hạn, các loại phụ gia thực phẩm tạo mùi, tạo màu, hương liệu... có thể được sử dụng bất chấp liều lượng, thành phần. Thậm chí, nhiều trường hợp hóa chất công nghiệp được sử dụng thay thế phụ gia thực phẩm.

Thêm vào đó, khâu bảo quản thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Chẳng hạn, có những thực phẩm, thức ăn cho dù đã được nấu chín nhưng qua kiểm tra lại xuất hiện vi khuẩn gây bệnh nguy hại.

Trong mùa hè, thực phẩm, nhất là loại có nhiều đạm (nguồn gốc động vật: thịt, thủy hải sản, sữa, trứng...) nếu không được bảo quản và chế biến đúng cách sẽ có nguy cơ gây ngộ độc rất cao do nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật (vi khuẩn, nấm) phát triển. Nhiệt độ cao cũng làm thực phẩm bị phân hủy nhanh hơn. Các quá trình này đều sinh ra các độc tố với lượng rất lớn. Nhiều độc tố có khả năng chịu nhiệt cao nên nấu chín cũng không có tác dụng và vẫn có khả năng gây bệnh.

Làm gì khi ngộ độc thực phẩm?

Khi bản thân hoặc người người xung quanh đang có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, bạn cần phải bình tĩnh và thực hiện các biện pháp sau:

Gây nôn: Nôn được xem là cơ chế bảo vệ của cơ thể nhằm tống các dị vật, những tác nhân gây độc cho cơ thể ra ngoài. Vì vậy, khi ngộ độc, hãy cố gắng để nôn ra. Điều này giúp hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể. Khi gây nôn, có thể rửa sạch tay rồi đặt vào lưỡi để kích thích nôn. Tư thế người bệnh nên nằm nghiêng, đầu kê cao hơn người để chất thải khi nôn ra không sặc và trào ngược vào phổi. Nếu người bệnh ngộ độc đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn bởi có thể gây sặc, ngạt thở.

Uống nhiều nước: Nước làm loãng lượng độc tố có trong cơ thể, đồng thời bù lại lượng nước đã mất đi khi tiêu chảy, nôn do ngộ độc thực phẩm. Người bệnh cần uống thật nhiều nước, có thể dùng nước lọc hoặc dung dịch oresol, nước gạo.

Đưa đi cấp cứu: Ngộ độc thực phẩm là vấn đề nguy hiểm, không nên chủ quan điều trị tại nhà. Hãy gọi ngay cấp cứu hoặc di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được giúp đỡ và theo dõi từ nhân viên y tế.

Tìm nguyên nhân ngộ độc: Ngoài ra, bạn cũng nên giữ lại loại thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, thậm chí là mẫu bệnh phẩm nôn ra từ người bệnh. Điều này sẽ giúp các bác sĩ xác định nguyên nhân gây ngộ độc và có phương án điều trị tốt nhất.

Khuyến cáo phòng, tránh ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm luôn rình rập, vì vậy người dân cần được nâng cao hiểu biết về nguy hại của các loại thực phẩm nhiễm bẩn (ôi, thiu), nhất là các loại thực phẩm chế biến, thực phẩm sống như tiết canh, nem chua, nem chạo...

Mọi người cần thực hiện ăn chín và uống sôi. Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi. Khi dùng các loại quả tươi cần được rửa sạch, phải ngâm vào nước muối trước khi ăn.

Nên rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước mỗi bữa ăn. Nước sử dụng làm lạnh, làm đá cần được tiệt khuẩn trước khi sử dụng. Không nên ăn rau sống.

Tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh. Các loại thực phẩm cần phải nấu chín, khi chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn muốn giữ lại, chỉ để ở nhiệt độ của phòng không quá 2 giờ, sau đó bảo quản ở tủ lạnh.

Những người trồng rau, quả và kinh doanh thực phẩm tươi sống cần tuân thủ tuyệt đối thật nghiêm ngặt các khâu trong dùng hóa chất để nuôi trồng, chăm bón và bảo quản thực phẩm; không vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực và dụng cụ chế biến thực phẩm không để ruồi nhặng, côn trùng, vật nuôi tiếp xúc vào thực phẩm.

Tuấn Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/phong-tranh-ngo-doc-thuc-pham-khi-vao-he-593073.html