Phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người dân cần chủ động phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm thông qua việc lựa chọn thực phẩm, nhận biết các dấu hiệu ngộ độc để có cách xử lý cần thiết trong dịp Tết Nguyên đán 2025.

Lựa chọn thực phẩm an toàn

Dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm các loại thực phẩm phục vụ dịp Tết gia tăng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc. Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, người dân có thể chủ động trong việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025 bằng cách lựa chọn những thực phẩm an toàn.

Ảnh minh họa: Hoàng Chiến.

Ảnh minh họa: Hoàng Chiến.

Theo đó, nên ưu tiên mua thực phẩm ở các cửa hàng, siêu thị đáng tin cậy, đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, nơi bày bán sạch sẽ, ngăn nắp, đầy đủ tủ, giá, kệ; cung cấp thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.

Hai là, chọn các loại rau, quả tươi, giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ; rau, quả ăn sống phải ngâm, rửa bằng nước sạch, gọt bỏ vỏ. Nên mua thủy sản còn tươi, thịt đã qua kiểm dịch thú y, chọn cá đang sống hay vừa mới chết; không nên ăn hải sản ở những vùng sông, biển bị ô nhiễm.

Lựa chọn kỹ thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn có nhãn ghi đầy đủ nội dung. Không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm nguy hiểm. Mua các loại phụ gia, gia vị đóng gói sẵn, có nhãn mác của những công ty, xí nghiệp uy tín trong và ngoài nước.

Đồng thời, thực hiện “Những chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn” theo khuyến cáo của Cục ATTP bao gồm:

Inforgraphic: Hoàng Chiến.

Inforgraphic: Hoàng Chiến.

Các bước xử lý khi gặp trường hợp ngộ độc thực phẩm

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, nếu không may bị ngộ độc thực phẩm, không nên quá lo lắng. Đối với ngộ độc thực phẩm nhẹ, các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy sẽ tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng 24 giờ, tuy nhiên cần lưu ý một số loại ngộ độc thực phẩm có thể kéo dài hơn.

Với trường hợp bị ngộ độc nhẹ (chỉ có buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy nhẹ…) có thể điều trị tại nhà bằng cách bù nước bằng dung dịch điện giải (oresol), cho bệnh nhân uống than hoạt tính từ 5-10g (nếu có) để hấp thụ bớt chất độc.

Những trường hợp ngộ độc nhẹ thì cần gây nôn để loại bỏ thức ăn gây độc ra ngoài. Đối với trường hợp có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức thì không gây nôn vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi gây nôn nếu thấy bệnh nhân nôn ra được hầu hết thức ăn thì để người bệnh nằm nghỉ, nhưng cần theo dõi sát sao và khi người bệnh có bất cứ triệu chứng khác lạ nào thì cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Ngưng việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc nhưng không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy vì làm chậm việc đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể. Đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi, nếu dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy hay xảy ra hội chứng lồng ruột hay liệt ruột rất nguy hiểm.

Khi bị nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn, nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong thức ăn dễ dẫn đến sốt, tê môi lưỡi, hôn mê (ví dụ như ăn cá nóc, bạch tuộc có vòng xanh, con so có chứa loại độc tố tetratodoxin rất nguy hiểm) thì cần khẩn cấp đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.

Đồng thời, thông báo ngay đến cơ quan chức năng ngành y tế nơi gần nhất.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phong-tranh-nguy-co-ngo-doc-thuc-pham-dip-tet-nguyen-dan-10298418.html