Tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm dịp tết, mùa lễ hội năm 2025
Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh và yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố đảm bảo các nội dung đề nghị của Bộ Y tế trong phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, Sở Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025; theo dõi sát sao tình hình các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do vi rút, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm gia cầm…. Tăng cường kiểm dịch y tế biên giới và giám sát thường xuyên để phát hiện sớm các ca bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng và cơ sở y tế. Việc xử lý phải được thực hiện kịp thời nhằm kiểm soát lây lan, giảm thiểu ca nặng và tử vong. Song song đó, cần đảm bảo tiêm chủng mở rộng đúng tiến độ và triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm phòng sởi để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Công tác thu dung, điều trị cần được chú trọng, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2025, với mục tiêu hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng. Quy trình sàng lọc, cách ly, phòng chống nhiễm khuẩn phải được thực hiện nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm chéo và ngăn chặn các ổ dịch trong cơ sở y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế cần chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, vắc xin, trang thiết bị, vật tư và nhân lực theo phương châm "bốn tại chỗ," sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh. Lực lượng ứng trực 24/24 giờ phải được tổ chức để xử lý kịp thời các sự cố trong dịp nghỉ Tết. Khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân, thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe bằng các hình thức phù hợp. Lưu ý các các nhóm có nguy cơ cao dễ mắc bệnh như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền với sức đề kháng yếu.
Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương phối hợp với ngành y tế đảm bảo triển khai hiệu quả các hoạt động. Đó là vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh cá nhân, đảm bảo cung cấp nước sạch, an toàn thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, cán bộ, giáo viên về phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở giáo dục, các trường học. Quản lý, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, vật nuôi; giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người. Kiểm tra, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay tại nhiều quốc gia trong khu vực Bắc bán cầu ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc các hội chứng cúm (ILI), nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI). Trung Quốc ghi nhận sự gia tăng các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các tác nhân phổ biến như vi rút cúm mùa, vi rút hợp bào (RSV) và Human metapneumovirus (hMPV)... Bệnh cúm mùa cũng đang gia tăng ở nhiều quốc gia ở châu Âu, Trung Mỹ và Ca-ri-bê, Tây Phi, Trung Phi và nhiều quốc gia ở châu Á. Mỹ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H5) có liên quan đến bò sữa và gia cầm.
Tại Việt Nam dịp Tết Nguyên đán 2025 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch và sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm tăng cao; cùng thời tiết mùa Đông Xuân thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan. Nguy cơ gia tăng số mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, từ động vật sang người, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Một số bệnh có vắc xin dự phòng có thể ghi nhận số ca mắc gia tăng ở nhiều nơi.