Phòng, tránh tai họa sạt lở

Vụ sạt lở đất vùi lấp xe khách làm hàng chục người tại Hà Giang thiệt mạng vừa qua là một tai họa nghiêm trọng do thiên tai gây ra. Thực tế cho thấy, tai họa, thảm họa do thiên tai thường rất khó dự báo, khi đã xảy ra thường để lại hậu quả khủng khiếp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường thiên nhiên...

Nhưng trong một số trường hợp, trước khi xảy ra thiên tai, chúng ta có thể quan sát và nhận biết các dấu hiệu bất thường, trong đó có vấn đề phòng, tránh sạt lở đất ở khu vực miền núi.

Nhớ lại khoảng thời gian này năm ngoái, trước những hậu quả nghiêm trọng của các vụ sạt lở đất ở khu vực miền núi, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã đưa ra những cảnh báo dấu hiệu sạt lở đất, như: Mưa nhiều ngày, mưa lớn; xuất hiện vết nứt tường nhà, sườn đồi; cây cối nghiêng; nước sông, suối chuyển màu đục; mặt đất phồng lên, mặt đất rung chuyển, có âm thanh lạ trong lòng đất... Điều đáng nói, đó không phải là lần đầu tiên các chuyên gia đưa ra cảnh báo về các dấu hiệu sạt lở đất để nhân dân theo dõi, quan sát và phòng, tránh tai họa, thảm họa xảy ra. Nhưng dường như những cảnh báo như vậy vẫn chưa đủ mạnh để ngăn ngừa tai họa, thảm họa do sạt lở đất gây ra với người dân.

 Quân đội và các lực lượng vẫn đang triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp sau vụ sạt lở tại Hà Giang. Ảnh: QĐND

Quân đội và các lực lượng vẫn đang triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp sau vụ sạt lở tại Hà Giang. Ảnh: QĐND

Điều đó cho thấy công tác tuyên truyền phòng, chống, cảnh báo tai họa, thảm họa sạt lở đất của chúng ta rất cần đạt đến độ sâu sắc, mạnh mẽ với các đối tượng như: Đội ngũ lái xe, những người dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Đây là điều chúng ta cần rút kinh nghiệm để tuyên truyền hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng dày các thiết bị quan trắc và phát cảnh báo tự động (điều này đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư đủ mạnh) để tránh tai họa, thảm họa cho người đi đường và người dân khu vực miền núi. Nếu có cảnh báo tự động mỗi khi có dấu hiệu xảy ra sạt lở đất, chắc chắn sẽ là "tấm barie" hữu hiệu ngăn các phương tiện giao thông, người dân cố tình vượt qua những khu vực nguy hiểm, qua đó ngăn chặn kịp thời hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản có thể xảy ra.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/phong-tranh-tai-hoa-sat-lo-785507