Phòng tránh thiên tai ở A Lin - Rào Trăng

A Lin - Rào Trăng thuộc địa phận 2 huyện Phong Điền, A Lưới được đánh giá đã, đang và tiềm ẩn nguy cơ cao về sạt trượt đất, lũ quét...

 Khu vực A Lin - Rào Trăng có 56,4% diện tích có nguy cơ sạt trượt rất cao và cao

Khu vực A Lin - Rào Trăng có 56,4% diện tích có nguy cơ sạt trượt rất cao và cao

Nhiều yếu tố tác động

Trong các đợt mưa lớn kéo dài liên tục trong 6 ngày vào tháng 10/2020, ở khu vực A Lin - Rào Trăng xảy ra hiện tượng sạt trượt đất đá nghiêm trọng, làm thiệt mạng và mất tích hàng chục cán bộ, chiến sĩ, công nhân đang làm nhiệm vụ. Nỗi mất mát, đau thương này đến giờ vẫn chưa nguôi.

Mới đây, nhóm nghiên cứu Trường đại học Khoa học - Đại học Huế tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng, nguyên nhân, độ rủi ro do sạt trượt đất đá ở khu vực A Lin - Rào Trăng. Khu vực này có diện tích trên 230km2, địa hình dốc và mức độ phân cắt lớn, cấu trúc địa chất chủ yếu là các thành tạo magma, các trầm tích lục nguyên bị phong hóa nứt nẻ, bị xuyên cắt với các đứt gãy kiến tạo. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi về mặt địa hình - địa chất để phát sinh các hiện tượng dịch chuyển đất đá trên sườn dốc, như sạt trượt đất đá, lũ quét và lũ bùn đá...

Nơi đây có mạng lưới sông suối phát triển khá dày đặc với sông Rào Trăng và các phụ lưu. Chiều dài sông ngắn, lòng sông dốc và chuyển khá đột ngột xuống đồng bằng thung lũng sông. Đặc điểm địa chất của A Lin - Rào Trăng cũng rất phức tạp, đất đá bị phong hóa, không dính kết, thuận lợi cho các quá trình địa mạo động lực phát triển. Khu vực này có lượng mưa năm trung bình từ 3.400 - 3.700mm, kèm các tai biến môi trường, nên nguy cơ sạt trượt phát triển ngày càng mạnh mẽ, khó lường, khó kiểm soát.

Từ năm 2017, cùng với việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường 71 phục vụ cho thi công công trình thủy điện trên sông Rào Trăng, các khối trượt đã bắt đầu xuất hiện. Tính từ năm 2017 đến đầu năm 2020, có 24 khối trượt xuất hiện trong khu vực, chủ yếu là sạt trượt taluy tuyến đường giao thông và không có các khối trượt trên các sườn dốc tự nhiên. Trong đợt mưa lũ lớn ở khu vực từ ngày 6 đến 13/10/2020, tổng lượng mưa tích lũy đo được tại Tà Lương là 2.206mm. Hiện tượng sạt trượt bắt đầu xảy ra trên diện rộng với 276 khối trượt xuất hiện, bao gồm trượt trên các sườn dốc tự nhiên, taluy của tuyến đường 71 và bờ sông, bờ suối. Các khối trượt rất đa dạng về quy mô và kích thước, có diện tích từ 48,6m2 đến 98.524m2, với thể tích khối trượt lên đến 65.000m3.

Giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại

Theo TS. Nguyễn Thị Thủy, Khoa Địa lý - Địa chất, Trường đại học Khoa học - Đại học Huế, có hai nguyên nhân cơ bản gây sạt trượt ở khu vực thủy điện A Lin - Rào Trăng và tuyến đường 71. Đó là do tác động của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng công trình làm tăng độ dốc sườn đồi núi khi thi công các tuyến giao thông, khai thác vật liệu xây dựng, khai thác rừng đầu nguồn (nguyên nhân nhân sinh) và do tình hình địa chất, mưa lũ kéo dài, làm cho đất bị bão hòa nước (nguyên nhân ngoại sinh).

Qua thống kê hiện trạng và kết quả phân vùng nguy cơ sạt trượt, phần lớn diện tích khu vực có nguy cơ sạt trượt ở cấp cao và rất cao chiếm 56,4% diện tích của vùng. Vùng có nguy cơ sạt trượt rất cao có diện tích 54,9km2, tập trung ở phía tây, tây nam và trung tâm khu vực; vùng sạt trượt cao có diện tích 134,8km2, phân bố chủ yếu ở phía nam, tây nam và dọc theo thung lũng Rào Trăng. Ngoài ra còn có 3 cấp nguy cơ sạt trượt: trung bình, thấp, rất thấp với diện tích khoảng 150km2, tập trung ở phía bắc, tây bắc, đông bắc, từ thủy điện Rào Trăng 4 về xã Phong Mỹ, Phong Sơn.

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài cho rằng, hiện tượng thiên tai xảy ra ở khu vực Rào Trăng cần được nghiên cứu cụ thể để chính quyền địa phương có phương án phòng tránh cũng như hoạch định kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế vùng A Lin - Rào Trăng hợp lý. Để đảm bảo cuộc sống của cư dân địa phương, ngoài việc chú trọng đầu tư phát triển kinh tế và an sinh xã hội, đề tài cơ bản đã nghiên cứu, đánh giá tai biến và đề xuất giải pháp phòng chống, phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Một số chuyên gia cũng tán đồng và góp ý, làm rõ thêm đề xuất của nhóm nghiên cứu đề tài về các giải pháp phòng chống, giảm thiểu rủi ro do sạt trượt đất đá. Trong đó, có các giải pháp về quy hoạch dân cư và các công trình kinh tế - xã hội. Giải pháp này được xem là giải pháp hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất, mang tính chất "phòng tránh từ xa" để ngăn ngừa rủi ro và giảm thiểu thiệt hại do sạt trượt đất.

Từ bản đồ phân vùng nguy cơ sạt trượt cho thấy, phần lớn diện tích khu vực có nguy cơ sạt trượt ở cấp cao, rất cao chiếm 56,4% diện tích của vùng. Do vậy, khu vực hoàn toàn không ổn định có nguy cơ sạt trượt ở mức độ cao, kèm theo còn có tai biến khác như lũ quét, lũ bùn đá thì tuyệt đối không quy hoạch các khu dân cư, các cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng không thiết yếu ở khu vực A Lin - Rào Trăng. Trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể quy hoạch xây dựng công trình nhưng cần đánh giá độ ổn định, nguy cơ sạt lở khu vực nền công trình lân cận, kèm theo là các giải pháp phòng, chống hiệu quả.

Ngoài ra còn có các giải pháp công trình và phi công trình, như xây dựng biện pháp cụ thể ứng phó sạt trượt đất theo cấp độ rủi ro thiên tai; thiết kế và xây dựng mái dốc hợp lý, xây dựng hệ thống cảnh báo sạt trượt; nâng cao nhận thức, kiến thức, nguồn tài liệu tuyên truyền cho người dân cách phòng chống; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/phong-tranh-thien-tai-o-a-lin-rao-trang-145640.html