Phong trào công nhân và hoạt động công đoàn thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, đấu tranh kiên cường, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 3/1946, Hội nghị đại biểu Công nhân cứu quốc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tổng Công đoàn Nam Bộ đã quyết định thống nhất về mặt tổ chức trên phạm vi cả nước thành Hội Công nhân cứu quốc.

Tháng 6/1946, tại Hội nghị cán bộ Công đoàn cứu quốc đã đổi tên Hội Công nhân cứu quốc thành Công đoàn. Ngày 20/7/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chính thức được thành lập và được công nhận là thành viên chính thức của Liên hiệp Công đoàn thế giới vào năm 1949.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đại biểu dự Đại hội lần thứ I Công đoàn Việt Nam từ 1-15/1/1950 tại Thái Nguyên (Ảnh: TTXVN)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đại biểu dự Đại hội lần thứ I Công đoàn Việt Nam từ 1-15/1/1950 tại Thái Nguyên (Ảnh: TTXVN)

Trong những năm đầu đất nước giành độc lập, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, tham gia tích cực vào cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, các đội cảm tử Thủ đô, trong đó nòng cốt là công nhân đã chiến đấu với tinh thần quả cảm, anh dũng.

Thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức vận động công nhân, viên chức, lao động tập trung xây dựng nhà máy, công xưởng, sản xuất vũ khí, khí tài quân sự; khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động phục vụ kháng chiến.

Tại chiến khu Việt Bắc, từ ngày 1 - 15/1/1950, Đại hội lần thứ I Công đoàn Việt Nam đã đề ra mục tiêu: "Động viên công nhân, viên chức cả nước, nhất là công nhân ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gồm 21 Ủy viên chính thức và 4 Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký.

Tháng 2/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế phục vụ tổng phản công, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, Công đoàn vận động công nhân hăng hái sản xuất và tham gia quản lý, xây dựng xí nghiệp. Đây là bước chuyển biến lớn về nhận thức tư tưởng và phương thức hoạt động Công đoàn. Từ đây, trong các xí nghiệp quốc doanh, Công đoàn đại diện cho công nhân tham gia các Ủy ban xí nghiệp, góp phần trực tiếp quản lý sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế kháng chiến phát triển về mọi mặt. Ở vùng tự do, Công đoàn phát động công nhân "Thi đua sản xuất, thi đua xây dựng", "Cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến, trau dồi nghề nghiệp". Phong trào được tổ chức, chỉ đạo tương đối chặt chẽ, thực hiện dân chủ trong quản lý sản xuất.

Giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò tiên phong của giai cấp công nhân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, đấu tranh kiên cường, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phong-trao-cong-nhan-va-hoat-dong-cong-doan-thoi-ky-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-1945-1954-174029.html