Phong trào 'Dân vận khéo' ở Quỳnh Nhai

'Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công', khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai luôn triển khai thực hiện phong trào 'Dân vận khéo' với những cách làm hay và sáng tạo, hiệu quả, góp phần tăng cường sự đồng thuận, đoàn kết, chung sức phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới.

Ông Bùi Thái Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Triển khai phong trào “Dân vận khéo”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể triển khai công tác dân vận gắn với các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến nay, Quỳnh Nhai có 232 mô hình “Dân vận khéo tiêu biểu” của tập thể và cá nhân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều mô hình thể hiện sự năng động, tích cực của cán bộ, đoàn viên, hội viên trong xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” của Hội LHPN xã Nặm Ét, huyện Quỳnh Nhai.

Mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” của Hội LHPN xã Nặm Ét, huyện Quỳnh Nhai.

Ở lĩnh vực kinh tế, các mô hình “Dân vận khéo” được thể hiện ở việc giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong thâm canh tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Nuôi cá lồng ở Chiềng Bằng; chăn nuôi gia súc nhốt chuồng ở xã Chiềng Khoang; trồng su su ở xã Chiềng Khay; trồng cà phê, chè ở xã Chiềng Khoang; trồng cây ăn quả trên đất dốc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ở xã Mường Giôn... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại xã Chiềng Bằng đã phát huy hiệu quả. Ông Mè Văn Phái, Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, cho biết: Năm 2010, xã được chương trình 30a hỗ trợ 30 lồng cá nuôi thí điểm. Từ hiệu quả của mô hình này, các hộ dân trong xã đã đầu tư, liên kết thành lập HTX thủy sản. Hiện, Chiềng Bằng có 18 HTX thủy sản, với gần 200 thành viên nuôi gần 3.000 lồng cá; thu nhập trung bình đạt 5 triệu đồng/thành viên/tháng. Toàn huyện có hơn 4.300 lồng cá, từ đầu năm đến nay, sản lượng nuôi, đánh bắt đạt gần 190 tấn.

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội có mô hình “Mái ấm công đoàn” của Liên Đoàn lao động huyện; xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” của Hội LHPN xã Mường Giàng; thắp sáng đường quê của Huyện đoàn. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh có mô hình “Chi hội nông dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” của bản Chẩu Quân, xã Mường Giàng; xây dựng ý thức tự quản, an ninh trật tự của Trường THPT dân tộc nội trú huyện. Lĩnh vực xây dựng củng cố hệ thống chính trị có mô hình “Nâng cao hiệu quả hoạt động khối dân vận các xã” của Ban Dân vận Huyện ủy...

Với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, Hội LHPN xã Nặm Ét đã xây dựng mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” giúp đỡ hội viên nghèo. Chị Lò Thị Thành, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Huổi Hẹ, chia sẻ: Trung bình mỗi tháng tôi tiết kiệm được 10 kg gạo để hỗ trợ hội viên hoàn cảnh khó khăn.

Từ cách làm cụ thể, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực và được nhân rộng; từ năm 2016 đến nay, thông qua mô hình tiết kiệm gạo của các cơ sở hội trong toàn huyện đã giúp 198 chị hoàn cảnh khó khăn với 6 tấn gạo; đồng thời, duy trì mô hình tiết kiệm 5 nghìn đồng/tháng/hội viên, tiết kiệm được gần 350 triệu đồng giúp 92 hội viên vay phát triển kinh tế.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Quỳnh Nhai đã và đang phát huy được vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào. Các mô hình đã tạo thành phong trào sâu rộng, bền vững từ cơ sở, góp phần tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phong-trao-dan-van-kheo-o-quynh-nhai-50467