Phong trào 'Dân vận khéo' trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Bình Lục
Thấm nhuần lời dạy của Bác 'Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công', những năm qua, cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo phong trào thi đua 'Dân vận khéo' các cấp huyện Bình Lục đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua 'Dân vận khéo' trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là các mô hình tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, đô thị văn minh. Trong quá trình thực hiện, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, là động lực quan trọng để phát huy, tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền.
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp huyện Bình Lục đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là các mô hình tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, đô thị văn minh. Trong quá trình thực hiện, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, là động lực quan trọng để phát huy, tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền.
Năm 2023, xã La Sơn đăng ký “về đích” xã NTM nâng cao. Hiện xã đang tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM nâng cao. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Chanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Xác định rõ, công tác dân vận đóng vai trò đặc biệt trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, những năm qua, xã La Sơn luôn chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” ở tất cả các lĩnh vực. Hiện, xã đang duy trì, thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”, như mô hình: “Hội viên nông dân không dùng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp” của Hội Nông dân; “Chi hội Cựu chiến binh tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc” của Hội Cựu chiến binh; “Đặt bể thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng” của Đoàn Thanh niên; “Cụm dân cư bảo đảm an ninh trật tự” của Mặt trận Tổ quốc; “5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ; “Con đường sáng, xanh, sạch, đẹp” của Ban công tác Mặt trận thôn Trung Sơn (từ đầu năm đến nay, cán bộ và nhân dân trong thôn đã trồng được 180 cây bàng Nhật, phong linh và hoa ban trên tuyến đường dài khoảng 1.200m, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường nông thôn)...
Bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật được đặt ở các xứ đồng xã Bối Cầu. Ảnh: Hiền Phạm
Có thể nói, thời gian qua các mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn xã đã thực sự phát huy hiệu quả, thu hút được sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân, góp phần quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.
Về xã Bối Cầu, qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Trước kia, khi sử dụng xong, người dân thường vứt luôn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên các bờ ruộng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới nguồn nước, sức khỏe của người trực tiếp tham gia sản xuất. Thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân “Thu gom và xử lý rác thải nguy hại trên đồng ruộng”, Hội Nông dân xã đã phát động cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng bể chứa rác thải nguy hại trên đồng ruộng bằng bê tông, có nắp đậy. Từ các nguồn xã hội hóa, đến nay, Hội Nông dân xã Bối Cầu đã xây dựng được 65 bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Khi bể đầy, có tổ đi thu gom, vận chuyển về nơi chứa rác thải tập trung để đưa đi xử lý theo quy định.
Ông Lê Ngọc Hanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Lục cho biết: Nhận thức rõ việc bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường đồng ruộng nói riêng có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường đất và nước, Hội Nông dân huyện đã phát động xây dựng mô hình “Thu gom và xử lý rác thải nguy hại trên đồng ruộng” trong toàn hội. Hưởng ứng phong trào, đến nay, các cấp hội nông dân trong huyện đã xây dựng được tổng số 707 bể chứa rác thải bằng bê tông, đặt ở khắp các cánh đồng của các xã, thị trấn, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường đồng ruộng, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Ngoài mô hình “Thu gom và xử lý rác thải nguy hại trên đồng ruộng”, Hội Nông dân huyện còn phát động thực hiện mô hình “Cán bộ, hội viên nông dân Bình Lục tiết kiệm tặng bò vàng sinh sản cho hội viên, nông dân nghèo”. Tính đến nay, Hội đã tặng được 33 con, tổng trị giá hàng trăm triệu đồng, giúp nhiều hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn từng bước có thu nhập, dần cải thiện chất lượng cuộc sống...
Đường nông thôn mới ở xã An Đổ (Bình Lục). Ảnh: Mạnh Hùng
Theo thống kê của Ban Dận vận Huyện ủy Bình Lục, đến nay, toàn huyện đã xây dựng, nhân rộng và thực hiện 295 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó: Lĩnh vực kinh tế có 59 mô hình; lĩnh vực văn hóa – xã hội 157 mô hình; lĩnh vực an ninh – quốc phòng 56 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị 23 mô hình. Nổi bật, trong lĩnh vực kinh tế là các mô hình “Trồng bưởi sạch” của Hội Cựu chiến binh xã Đồng Du; “Tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia HTX Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” của Hội Nông dân xã Đồng Du; “Tổ hợp tác nuôi ốc nhồi” của Hội Nông dân xã Tràng An; câu lạc bộ “Hoa cúc kim cương” của Hội Nông dân xã Bình Nghĩa; “Chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản” của Hội Nông dân xã An Đổ…
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội có các mô hình: “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” của câu lạc bộ Phật tử chùa Gòi – Ngô Khê, xã Bình Nghĩa; “Một ngày trong tuần cựu chiến binh dọn vệ sinh môi trường” của Hội Cựu chiến binh huyện; “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch góp phần xây dựng NTM nâng cao” của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện; “Tổ tự quản” và mô hình “Làm men vi sinh, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện…
Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng là các mô hình: “Tổ tự quản về an ninh trật tự” của Hội Cựu chiến binh 17/17 xã, thị trấn; “Dòng họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội” tại xã Ngọc Lũ; “Khu dân cư không phát sinh thanh niên mắc tệ nạn xã hội” của Đoàn Thanh niên; mô hình “Camera an ninh” tại 17/17 xã, thị trấn và các khu công nghiệp; “3 giảm, 4 giữ” do Công an huyện hướng dẫn triển khai ở 17/17 xã, thị trấn…
Điển hình trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị là mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”, “Ngày thứ 7 với dân”, “Nêu cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức xã trung thực, gần dân, sát dân, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ”... Đặc biệt, mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phong cách làm việc, thái độ phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ công chức, được nhân dân ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao. Mô hình đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần quan trọng xây dựng nền hành chính vì nhân dân phục vụ.
Mô hình con đường xanh, sạch, đẹp của Ban công tác mặt trận thôn Trung Sơn. Ảnh: Thanh Châu
Bằng những kết quả thiết thực, tiêu biểu đã đạt được, năm 2022, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp xã đã công nhận 59 mô hình cấp xã thực hiện năm 2021 và giai đoạn trước (gồm: 11 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế; 37 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội; 8 mô hình thuộc lĩnh vực an ninh – quốc phòng; 3 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị); công nhận 4 mô hình được nhân rộng và xây dựng mới năm 2022 (gồm: 1 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế; 2 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội; 1 mô hình thuộc lĩnh vực an ninh – quốc phòng). Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện đã công nhận 6 mô hình cấp huyện được nhân rộng và xây dựng mới năm 2022, gồm: 2 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế; 4 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội.
Đánh giá về các mô hình “Dân vận khéo”, đồng chí Ngô Thị Khanh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bình Lục khẳng định: Hiệu quả từ những mô hình “Dân vận khéo” đã tạo được sự lan tỏa, niềm tin, sự đồng thuận, hưởng ứng trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng; góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí, chỉ tiêu trong xây dựng NTM nâng cao ở các địa phương
Tiếp tục góp phần thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện đạt NTM nâng cao vào năm 2025, thời gian tới, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Bình Lục chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận; về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị. Chỉ đạo triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025; gắn với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, bảo đảm triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực, tránh hình thức; chú trọng những việc mới, việc khó mà cấp ủy, chính quyền, ngành dọc cấp trên đang quan tâm chỉ đạo.