Phong trào Hamas ngừng đàm phán ngừng bắn với Israel
Căn nhà bị phá hủy sau vụ không kích của Israel xuống trại tị nạn Al-Maghazi ở Dải Gaza ngày 1/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN
*LHQ cảnh báo mọi người dân Gaza đối mặt với nạn đói và bệnh tật
Các nguồn tin Palestine cho biết phong trào Hamas đã thông báo đã ngừng đàm phán ngừng bắn với Israel sau khi phó thủ lĩnh phong trào này, ông Saleh al-Arouri, đã thiệt mạng trong một vụ tấn công của Israel ở Libăng tối 2/1.
Nguồn tin giấu tên cho biết Hamas đã thông báo với đại diện của Qatar và Ai Cập - hai nước trung gian - về việc dừng đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn.
Nguồn tin khẳng định Hamas sẽ không tiến hành đàm phán về vấn đề này trong bối cảnh Israel tiếp tục leo thang quân sự cũng như "ám sát có hệ thống" nhằm vào các lãnh đạo của phong trào này.
Trước đó, một nguồn tin Hamas cho biết nhiều trợ thủ của ông Al-Arouri cũng đã thiệt mạng trong vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Israel nhằm vào một văn phòng của Hamas ở ngoại vi phía nam thủ đô Beirut của Libăng. Trong một tuyên bố, Hamas xác nhận 7 thành viên đã thiệt mạng trong vụ việc này.
Lực lượng Hezbollah ở Libăng đã lên án vụ tấn công, khẳng định đây là dấu hiệu của "một diễn biến nguy hiểm" trong xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas.
Thủ tướng Libăng Najib Mikati cũng chỉ trích mạnh mẽ vụ việc, nhận định diễn biến sẽ khiến Libăng không thể tránh khỏi bị đẩy vào giai đoạn đối đầu mới, sau các vụ tấn công diễn ra hàng ngày ở khu vực biên giới phía Nam, gây nhiều thương vong.
Hiện phía Israel vẫn không bình luận về vụ tấn công, dù giới truyền thông nước này dẫn lời các quan chức cấp cao khẳng định Israel đã được đặt trong tình trạng báo động cao, trước khả năng sẽ bị tấn công "trả đũa".
Ông al-Arouri, 57 tuổi, được xem là một trong những lãnh đạo Hamas nổi bật hiện nay, và là người sáng lập Lữ đoàn al-Qassam - nhánh vũ trang của Hamas.
Cũng liên quan đến diễn biến mới này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cùng ngày nhận định việc ám sát lãnh đạo cấp cao của Hamas trong vụ tấn công nghi ngờ do Israel thực hiện ở Beirut là một diễn biến đáng lo ngại.
Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Guterres, Florencia Soto Nino, đã cảnh báo về nguy cơ xung đột hiện nay sẽ lan rộng hơn trong khu vực.
Tổng Thư ký LHQ hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và thực hiện các bước cấp bách để giảm căng thẳng.
* Ngày 2/1, Cơ quan cứu trợ LHQ dành cho người Palestine (UNRWA) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ một lần nữa cảnh báo mọi người dân tại Gaza đang đối mặt với nạn đói và bệnh tật trong bối cảnh giao tranh giữa Israel và Hamas leo thang.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, các quan chức phụ trách nhân đạo LHQ tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng dân thường bị mắc kẹt trong cuộc xung đột ở Gaza, trong bối cảnh Israel tăng cường bắn phá các thị trấn miền Nam như Deir al Balah, Khan Younis, Rafah, cũng như đụng độ trực tiếp trên thực địa và việc các nhóm vũ trang Palestine bắn tên lửa sang Israel.
Trong một thông điệp cùng ngày, WFP nêu rõ: “Tất cả người dân ở Gaza đang bị đói. Cắt bữa đang trở thành điều bình thường và mỗi ngày đều trở thành cuộc tìm kiếm để sinh tồn”.
UNRWA cảnh báo hơn 1 triệu người đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn ở thành phố Rafah, hàng trăm nghìn người phải chịu cảnh "màn trời chiếu đất" mà không đủ quần áo giữ ấm, trẻ em suy dinh dưỡng đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng nhất và 50% dân số Gaza sắp chết đói.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra báo cáo khẩn cấp về nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm tại khu vực này.
Theo WHO, kể từ giữa tháng 10/2023 tới nay, đã có 179.000 trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, 136.400 trường hợp tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi và 4.600 trường hợp vàng da.
Theo số liệu của giới chức sở tại, từ khi vòng xoáy xung đột mới nhất bùng phát ngày 7/10/2023, khoảng 1.200 người đã thiệt mạng, 240 người khác bị bắt làm con tin; đụng độ ở Dải Gaza và các cuộc tấn công từ trên không, trên bộ và trên biển của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã cướp đi sinh mạng hơn 22.000 người, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
LHQ cho biết thêm 7.000 người vẫn đang mất tích, 26 bệnh viện bị tàn phá, khoảng 1,93 triệu người dân Gaza mất nhà cửa, 1.100 bệnh nhân cần lọc thận, 71.000 người mắc bệnh tiểu đường và 225.000 người cần điều trị huyết áp cao.