Phong trào Thi đua Quyết thắng của Học viện Hậu cần: Tạo sức mạnh nội sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học
Những năm qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Hậu cần đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT). Qua đó tạo sức mạnh nội sinh, góp phần đột phá nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác, trọng tâm là công tác giáo dục, đào tạo (GD, ĐT) và nghiên cứu khoa học (NCKH); tiếp tục khẳng định là trung tâm đào tạo cán bộ hậu cần-kỹ thuật, tài chính uy tín của Quân đội và đất nước.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GD, ĐT và NCKH, Phong trào TĐQT của Học viện Hậu cần đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược của Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng. Triển khai nhiều biện pháp cụ thể hóa phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; “Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”, gắn với thực hiện có hiệu quả Phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt, NCKH và công tác tốt”, Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Trong đó, coi trọng đổi mới nội dung, chương trình, quy trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, bảo đảm hiện đại và liên thông giữa các cấp học, bậc học; bám sát sự phát triển của nghệ thuật quân sự và ngành hậu cần, kỹ thuật, tài chính Quân đội; chú trọng kết hợp trang bị lý luận với truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, thực hành huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu. Tổ chức, quản lý, điều hành huấn luyện chặt chẽ, linh hoạt, an toàn, sát thực tiễn; nhất là tổ chức thực tập, diễn tập, hội thi, hội thao...
Đổi mới mạnh mẽ hình thức, phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm; thực hiện nghiêm túc thanh tra, kiểm tra huấn luyện, đánh giá thực chất kết quả người học, chú trọng đánh giá kỹ năng chỉ huy, thực hành chuyên ngành. Bảo đảm đầy đủ, đồng bộ cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của quá trình đào tạo, tạo sự chuyển biến tích cực về nâng cao chất lượng huấn luyện, về nhận thức và hành động của cán bộ, giảng viên, học viên, đáp ứng mục tiêu yêu cầu đào tạo cán bộ hậu cần-kỹ thuật, tài chính Quân đội trong tình hình mới.
Phong trào TĐQT đã hướng vào xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn của Bộ GD và ĐT và Bộ Quốc phòng. Đảng ủy Học viện ban hành nghị quyết về lãnh đạo nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn mới; nghị quyết về xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Học viện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo; coi trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo giỏi, chuyên gia đầu ngành về GD, ĐT thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá, thi nhà giáo giỏi, cán bộ quản lý giỏi các cấp; quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, qua đó cổ vũ, động viên, khơi dậy khát vọng cống hiến, thu hút nhân tài phục vụ sự nghiệp GD, ĐT của Học viện. Giai đoạn 2019-2024, Học viện có 15 đồng chí được công nhận chức danh phó giáo sư; có 10 nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng, gần 200 nhà giáo giỏi cấp Học viện. Tỷ lệ đội ngũ nhà giáo có trình độ phó giáo sư, tiến sĩ tăng cao; một số nhà giáo có năng lực, trình độ, kiến thức chuyên môn đảm nhiệm tốt vai trò nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có uy tín trong Quân đội.
Phong trào thi đua trong thực hiện nhiệm vụ GD, ĐT, NCKH được cụ thể hóa thành các phong trào, mô hình như: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Giờ giảng mẫu”; “Bài giảng mẫu”; “Ngày hoạt động phương pháp”; “Tuổi trẻ sáng tạo khoa học”. Với phương châm “Thầy tận tụy, trò say sưa”, đội ngũ cán bộ, giảng viên trong Học viện không ngừng tìm tòi, nghiên cứu nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp dạy học, tất cả vì học viên thân yêu, vì sự nghiệp “trồng người”, thực sự là tấm gương mẫu mực về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và nhân cách. Từ tình thương và trách nhiệm của người thầy đã lan tỏa, cổ vũ cho Phong trào “Học tốt, rèn nghiêm” của đội ngũ học viên. Nhiều câu lạc bộ, tổ, nhóm học tập được xây dựng và hoạt động sôi nổi, hiệu quả; thái độ, ý thức, tinh thần học tập, nghiên cứu của mỗi học viên được nâng cao. Chất lượng học viên sau khi tốt nghiệp ra trường ngày càng đi vào thực chất theo hướng nâng cao năng lực thực tiễn, sát với yêu cầu bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính tại đơn vị. Kết quả học tập của học viên đã góp phần khẳng định chất lượng đào tạo và uy tín của Học viện trong toàn quân.
Hoạt động thi đua đã kịp thời khích lệ đội ngũ nhà giáo tích cực tham gia NCKH. Từ năm 2019 đến nay, Học viện triển khai nghiên cứu và hoàn thành 6 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 79 đề tài cấp ngành, 85 đề tài cấp Học viện. Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo khoa học” thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên tích cực tham gia. 5 năm qua, Học viện có 108 đề tài, sáng kiến tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội, trong đó có 3 giải nhất, 8 giải nhì, 25 giải ba, 19 giải khuyến khích. Những mô hình, cách làm hiệu quả trong thực hiện Phong trào TĐQT là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm khắc phục khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện Hậu cần. Từ phong trào thi đua đã có gần 10.000 lượt điển hình tiên tiến được tôn vinh, khen thưởng ở cấp Học viện; 264 lượt điển hình tiên tiến được tôn vinh, khen thưởng cấp toàn quân và toàn quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người; đồng thời quán triệt, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác thi đua, khen thưởng và Phong trào TĐQT, thời gian tới, Học viện Hậu cần xác định tiếp tục tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần tích cực, chủ động của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ; làm cho thi đua thực sự trở thành phong trào, động lực, tiềm thức và là nhu cầu khích lệ tính tự giác của mỗi người, mỗi tổ chức.
Học viện Hậu cần sẽ đẩy mạnh thi đua đột phá đổi mới nâng cao chất lượng GD, ĐT, quyết liệt thực hiện có hiệu quả phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”; “Nhà trường phải đi trước đơn vị”. Tích cực, chủ động rà soát, điều chỉnh, xây dựng nội dung, chương trình đào tạo các đối tượng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tăng cường chỉ đạo chặt chẽ các hoạt động huấn luyện, đặc biệt phải bám sát nhu cầu của thực tiễn. Tiếp tục đổi mới phương pháp huấn luyện theo hướng hiện đại, coi trọng bồi dưỡng kỹ năng, năng lực thực hành cho học viên. Chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo giỏi về chuyên môn, phong phú về kinh nghiệm thực tiễn, mẫu mực về đạo đức, nhân cách. Tập trung xây dựng các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nhóm nghiên cứu mũi nhọn, chuyên sâu. Nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân về chuyển giao, ứng dụng các đề tài, sáng kiến vào thực tiễn. Tập trung thi đua xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, Học viện vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò nêu gương, làm gương, làm mẫu, làm điểm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, nhân điển hình tiên tiến; chú trọng xây dựng, thực hiện tốt các mô hình thi đua mang đậm dấu ấn, nét đặc trưng và sự sáng tạo của Học viện.