Phong trào văn nghệ quần chúng tại Vân Hồ

Những năm qua, các hoạt động văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện Vân Hồ ngày càng phát triển không chỉ đáp ứng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân mà còn góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút du khách đến tham quan du lịch.

Huyện Vân Hồ có 5 dân tộc Thái, Mông, Kinh, Dao, Mường cùng chung sống, văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Điển hình tại xã Chiềng Khoa, ở các bản đều có 1 - 2 đội văn nghệ. Anh Vì Văn Khoán, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nà chá, xã Chiềng Khoa, cho biết: Bản có 2 đội văn nghệ của Chi hội phụ nữ và Chi hội người cao tuổi cùng 3 nhóm văn nghệ thường xuyên luyện tập, giao lưu trong và ngoài xã. Các tiết mục văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của nhân dân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường đoàn kết ở khu dân cư.

Đội văn nghệ quần chúng của huyện Vân Hồ và xã Chiềng Khoa biểu diễn tại Lễ hội hoa ban xã Chiềng Khoa năm 2023

Đội văn nghệ quần chúng của huyện Vân Hồ và xã Chiềng Khoa biểu diễn tại Lễ hội hoa ban xã Chiềng Khoa năm 2023

Đội văn nghệ Chi hội phụ nữ bản Nà Chá luôn được chọn tham gia biểu diễn văn nghệ các sự kiện của xã. Chị Hà Thị Nga, Đội trưởng đội văn nghệ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Nà Chá, chia sẻ: Đội văn nghệ có 12 thành viên, có chung niềm đam mê văn nghệ và mong muốn bảo tồn, lưu giữ những điệu múa, câu hát của dân tộc mình. Mặc dù bận rộn làm nương, ruộng nhưng các thành viên đều tích cực sắp xếp thời gian để tham gia. Các tiết mục đều mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Thái, như các điệu múa: Hương sắc bản em, dịu dàng bên dòng suối, múa khăn Piêu và các bài hát về quê hương, đất nước.

Đội văn nghệ xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ biểu diễn văn nghệ

Đội văn nghệ xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ biểu diễn văn nghệ

Tại xã Chiềng Yên phong trào văn nghệ quần chúng không chỉ nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân mà còn phục vụ phát triển du lịch. Anh Mùi Văn Thúc, công chức văn hóa xã Chiềng Yên, cho biết: Hiện xã có 14 đội văn nghệ. Ở các bản làm du lịch cộng đồng gồm bản Bướt, Nà Bai, Phụ Mẫu thì các đội văn nghệ duy trì luyện tập; tự đầu tư các thiết bị âm thanh, trang phục và nhạc cụ để biểu diễn phục vụ khách du lịch vừa có thêm nguồn thu nhập mà còn tạo ấn tượng với du khách về mảnh đất Chiềng Yên có phong cảnh đẹp, giàu bản sắc văn hóa và mến khách.

Chị Trần Thị Quỳnh Như, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Chiềng Yên là vùng đất có khí hậu trong lành, cảnh đẹp yên bình, ẩm thực phong phú, con người thân thiện, đặc biệt khi đến đây tôi được thưởng thức và hòa nhịp cùng những điệu múa, câu hát mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường, dân tộc Thái ở nơi đây thật say đắm lòng người.

Đội văn nghệ bản Nà Bai, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ.

Đội văn nghệ bản Nà Bai, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ.

Hiện nay, huyện Vân Hồ hiện có 1 câu lạc bộ dân ca, nhạc cụ dân tộc Mông Vân Hồ và trên 300 đội văn nghệ quần chúng ở tất cả các xã, của đoàn thanh niên, hội phụ nữ, người cao tuổi và các đội văn nghệ tại các điểm du lịch. Mỗi đội có từ 8 - 15 người, đóng góp tích cực vào việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vân Hồ, cho biết: Phòng tham mưu với UBND huyện tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. Ngoài nguồn hỗ trợ 2 triệu đồng/đội văn nghệ bản/năm theo nghị quyết của HĐND tỉnh, phòng tham mưu UBND huyện huy động các nguồn lực địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ hoạt động văn nghệ. Hiện nay, 100% các bản trên địa bàn huyện có nhà văn hóa. Tại các nhà văn hóa đều được trang bị cơ bản thiết bị âm thanh để phục vụ luyện tập và biểu diễn văn nghệ.

Hằng năm, huyện đều tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho những người làm văn nghệ tại các xã, các hạt nhân văn nghệ ở bản, tiểu khu, cơ quan và đơn vị. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch mở các lớp tập huấn như: Lớp truyền dạy “Dân ca, nhạc cụ dân tộc Mông”, mở lớp truyền dạy “Dân ca, dân vũ dân tộc Dao”,… Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân dịp lễ, tết, sự kiện kỷ niệm của đất nước, địa phương, tạo không khí vui tươi phấn khởi, đoàn kết, đồng thời tạo sân chơi cho hoạt động văn nghệ quần chúng giao lưu, phát triển ngày càng rộng khắp.

Phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện Vân Hồ ngày càng phát triển góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo sự đoàn kết, gắn bó hơn trong cộng đồng. Văn hóa, văn nghệ còn tạo ấn tượng sâu sắc đối với du khách mỗi dịp ghé thăm, là động lực để phát triển thúc đẩy phát triển du lịch của Vân Hồ.

Phạm Hoa

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/phong-trao-van-nghe-quan-chung-tai-van-ho-fv2lOlVSg.html