Phòng trừ bệnh trên cây thanh long
Do giá thanh long bấp bênh, thời gian qua, một số nông dân trồng thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Long An bỏ vườn, không chăm sóc hoặc chăm sóc rất ít khiến thanh long bị dịch bệnh tấn công.
Huyện Châu Thành có 12 xã và thị trấn đều được quy hoạch vùng sản xuất thanh long. Theo thống kê, đến tháng 11/2022, diện tích cây thanh long của huyện còn 7.380ha; diện tích thanh long phá bỏ 1.889ha. Do tình hình tiêu thụ khó khăn, một số nông dân bỏ vườn không chăm sóc nên thanh long nhiễm bệnh nặng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện chia sẻ: “Những năm qua, thanh long mang lại giá trị kinh tế lớn cho người trồng. Huyện Châu Thành đạt danh hiệu huyện nông thôn mới cũng có sự đóng góp không nhỏ từ cây thanh long. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid, thắt chặt các cửa khẩu thì tình hình tiêu thụ thanh long của tỉnh nói chung, huyện Châu Thành nói riêng gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm, thanh long chỉ có giá 2.000-3.000 đồng/kg, không bù được vốn. Tình trạng này kéo dài hơn 2 năm qua, gây rất nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất thanh long, nhất là đối với những hộ mới trồng. Những vườn thanh long già cỗi hoặc mới trồng, nhiều nông dân đành phải bỏ vườn”.
Trong tình hình khó khăn chung, anh Huỳnh Văn Tiết (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) chọn cách giảm đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm tiết kiệm chi phí; đồng thời, có thể duy trì việc chăm sóc vườn đều đặn. Anh Tiết cho hay: “Cây thanh long mà không chăm sóc thì dịch bệnh tấn công ngay. Do đó, dù tốn chi phí cũng phải chăm sóc định kỳ, không nên bỏ vườn. Giờ đây, chỉ hy vọng việc tiêu thụ trái thanh long được tốt hơn, người trồng thanh long mới có động lực chăm sóc vườn”.
Hiện các ngành chức năng tìm giải pháp giúp nông dân tiêu thụ trái thanh long và kêu gọi nông dân tiếp tục giữ vườn. Còn đối với dịch bệnh trên cây thanh long, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và Viện Cây ăn quả miền Nam khảo sát, đánh giá tình hình dịch bệnh nhằm đề xuất giải pháp quản lý dịch hại thanh long trong thời gian tới.
Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam - Đỗ Văn Vấn cho biết: “Tình hình dịch bệnh trên cây thanh long tại huyện Châu Thành khá phổ biến. Đối với các vườn nhiễm bệnh trên 70% thì nên phá bỏ vì chi phí phục hồi cao, thời gian kéo dài. Còn đối với vườn nhiễm bệnh dưới 70% và có độ tuổi 3-4 năm có thể phục hồi trong 6-12 tháng nếu người dân chịu đầu tư chăm sóc. Ngoài ra, chúng tôi khuyến cáo, nông dân nên cắt tỉa nhánh thanh long hàng năm từ 10-15% để vườn thông thoáng, ít mầm bệnh; bón phân hữu cơ cho đất tơi xốp, nuôi nhánh khỏe, rễ tốt; đồng thời, bón phân hóa học phải cân đối, hạn chế sử dụng thuốc hóa học”.
Từ trên 9.000ha, hiện nay, diện tích thanh long tại huyện Châu Thành giảm chỉ còn 7.380ha. Sản lượng từ 271.000 tấn/năm giảm còn 190.000 tấn trong năm 2022. Ông Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân phòng trừ sâu, bệnh thật tốt, nhất là đối với những vườn trồng theo hướng VietGAP. Tỉnh có trên 8.000ha thanh long có mã số vùng trồng, trong đó trên 2.000ha có mã số xuất qua các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc,... Đây là điều kiện để chúng ta tiếp tục duy trì diện tích thanh long.
Ngoài ra, các ngành chức năng cũng đang bàn giải pháp tiếp tục củng cố mã số vùng trồng, hình thành chuỗi liên kết, ứng dụng phần mềm quản lý nông nghiệp thông minh,... Đặc biệt, đề xuất các chính sách hỗ trợ về vốn vay để tái đầu tư, phục hồi và trồng mới thanh long. Qua đó, chúng tôi hy vọng nông dân tiếp tục duy trì diện tích trồng thanh long, không nên phá bỏ hoặc không chăm sóc”./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phong-tru-benh-tren-cay-thanh-long-a145329.html