Phong tục bao sái ban thờ ngày Tết
Phong tục 'bao sái ban thờ' vào dịp Tết Nguyên Đán của người Việt là một nghi lễ văn hóa truyền thống, thể hiện lòng hiếu kính và sự tri ân đối với tổ tiên.
"Bao sái ban thờ" là việc vệ sinh và dọn dẹp ban thờ tổ tiên, thường được tiến hành vào cuối năm. Đây không chỉ là công việc vệ sinh thông thường mà còn là nghi lễ tâm linh, thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên và cầu mong một năm mới an lành, may mắn.
Bao sái ban thờ trước tiên, cần chuẩn bị nước thơm (nước rượu gừng), khăn, chổi và giấy lau, dụng cụ bao sái đều cần sạch sẽ. Có thể dung đồ mới hoặc sử dụng các vật dụng chỉ chuyên bao sái ban thờ, không sử dụng chung khăn, chổi lau với các khu vực khác. Nếu có điều kiện thì nên xông trầm tẩy uế toàn bộ không gian trước khi bao sái, vừa tạo mùi hương thanh tịnh, tạo cảm giác ấm áp và dễ chịu cho không gian thờ.
Quá trình lau dọn bao gồm việc lau từ trên xuống dưới, tỉa gọn chân nhang, lau sạch bát hương và sắp xếp lại đồ thờ cúng. Trong quá trình này, cần tránh việc xê dịch tượng, bát hương và làm việc một cách nhẹ nhàng.
Bước đầu tiên, nên dùng hút loại nhỏ hoặc chổi nhỏ hút đi toàn bộ bụi trên ban thờ, bao gồm cả mép, chỉ, góc cạnh, gầm, ngăn kéo, ngăn tủ. Sau đó dùng khăn mềm ẩm vắt cho thật khô để lau, tránh làm hỏng hay để lại vết cặn trên trang thờ hay tượng, pháp khí.
Khi lau dọn, gia chủ cần lưu ý không nên sử dụng các dung dịch tẩy rửa hóa học mạnh, như xà phòng pha loãng, nước lau kính, vì chúng có thể làm hại đến bề mặt ban thờ và ảnh hưởng đến không khí tâm linh.
Bao sái và tỉa chân hương
Theo quan niệm trong phong thủy, ban thờ là nơi tụ khí của cả nhà, có ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống của gia chủ và các thành viên trong gia đình. Nếu để bát hương quá đầy sẽ làm cản trở việc khí lưu chuyển và ảnh hưởng rất lớn đến vận khí của gia chủ nên cần tỉa chân hương giúp ban thờ phong quang, sạch sẽ.
Trước khi tiến hành bao sái và tỉa chân hương, gia chủ dâng mâm lễ nhỏ rồi thắp hương, đọc văn khấn xin phép bao sái ban thờ. Sau đó, hạ các đồ muốn lau dọn xuống, dùng khăn sạch đã ngâm rượu gừng lau toàn bộ các đồ thờ. Sau đó dùng khăn khô lau lại. Lau lần lượt từng món, không làm vội vàng, phải xếp ngay ngắn, trang nghiêm.
Rửa sạch hai tay bằng rượu gừng, dùng một tay giữ chặt bát hương tránh cho bát hương bị xê dịch. Gia chủ lưu ý tuyệt đối không hạ hoặc di chuyển bát hương
Khi rút chân hương hãy rút ít một, cho tới khi số chân hương trong bát hương còn vài chân theo số lẻ. Bát hương thần linh cần để lại 5 chân hương tượng trưng cho ngũ hành tề tụ. Bát hương khác để lại 3 chân hương hàm ý “sinh tài”
Bát hương có nhiều tro thì nên gạt bớt bằng thìa sạch, sau đó dùng khăn sạch, hoặc khăn ướt lau dọn ban thờ. Sau khi lau dọn sạch không gian thờ cúng, bao sái xong thì gia chủ sắp xếp lại vật phẩm, đồ thờ cúng về vị trí ban đầu. Nếu có hũ gạo, muối... thì thay mới.
Xong xuôi khấn xin thỉnh các vị thần linh, gia tiên trở về và báo cáo đã xong việc bao sái ban thờ.
Không gian thờ cúng là nguồn mạch linh thiêng của mỗi gia đình, nơi tập hợp ân đức của Chư Phật, Chư Bồ Tát và gia tiên. Vì vậy, vào mỗi dịp lễ Tết, Phật tử và con cháu đều thực hiện việc bao sái và trang hoàng lại không gian thờ cúng.
Bao sái ban thờ không chỉ là việc lau dọn vật chất mà còn là việc làm tâm linh quan trọng, thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng đối với tổ tiên. Nó cũng là dịp để mọi người trong gia đình cùng nhau chuẩn bị đón Tết, gắn kết tình cảm và truyền thống gia đình.
Đối với người Phật tử, bao sái ban thờ ngày Tết cũng là dịp chúng ta nhìn lại, bao sái ban thờ cũng là gột sạch bụi trần, dọn rửa thân tâm chào đón năm mới.
Với những ý nghĩa sâu sắc ấy, bao sái ban thờ trở thành một phần không thể thiếu trong việc chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán. Nó không chỉ là một nghi thức truyền thống mà còn là một hành trình tâm linh, đưa mọi người gần lại với nhau, hướng về nguồn cội và nuôi dưỡng những ước vọng tốt đẹp cho năm mới sắp đến. Để cả gia đình cùng nhau đón chào năm mới đấm ấm và trọn vẹn nhất.
Tết đến Xuân về không chỉ mang đến niềm vui, sự đoàn viên, sum họp, Tết còn là sự khởi đầu mới với những ước mong, hy vọng. Vì thế, Tết luôn được người Việt mong chờ và được mỗi gia đình chuẩn bị kỳ công, kỹ lưỡng. Nhằm giúp độc giả đón một cái Tết thật đầm ấm, đủ đầy, Hanoionline sẽ ra mắt quý vị khán giả chuyên mục CẨM NANG ĐÓN TẾT. Chuyên mục gồm những bài viết, video clip, hình ảnh minh họa sinh động, dễ thực hiện, giúp độc giả hiểu rõ những phong tục, tập quán trong văn hóa đón Tết của người Việt, những nguyên tắc, chuẩn mực trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên, báo hiếu ông bà, cha mẹ, những ‘bí kíp’chế biến các món ăn truyền thống.
Để được thảnh thơi mà vẫn có một cái Tết trọn vẹn hãy đón xem CẨM NANG ĐÓN TẾT trên Hanoionline.
Thực hiện: Đức Chung
Ảnh: Văn Tuyến
Thiết kế: Thanh Nga
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/phong-tuc-bao-sai-ban-tho-ngay-tet-297184.htm