Phong tục đẹp những ngày xuân ở Yên Bình

Yên Bình (huyện Thạch Thất) là một trong những xã miền núi của Thủ đô. Yên Bình có khoảng 35% dân số là người dân tộc Mường, 65% người dân tộc Kinh nên văn hóa có nét hòa quyện, nhiều phong tục đẹp được duy trì...

Tết ở Yên Bình có lẽ bắt đầu từ ngay phiên chợ Cò ngày giáp Tết...

Tết ở Yên Bình có lẽ bắt đầu từ ngay phiên chợ Cò ngày giáp Tết...

Tết ở Yên Bình có lẽ bắt đầu ngay từ những phiên chợ Cò ngày cuối năm. Đây là một trong những chợ phiên thu hút người dân nhiều xã lân cận thuộc các huyện: Thạch Thất, Ba Vì (Hà Nội), Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình). Phiên chợ Cò 27 Tết năm nay bày bán vô vàn mặt hàng nông sản thực phẩm, quần áo, giày dép, bánh kẹo, hoa, cây cảnh, con giống… Hàng nghìn người bán - mua khiến không khí vô cùng náo nhiệt, thậm chí tắc đường khiến lực lượng chức năng phải tăng cường điều tiết giao thông và an ninh trật tự...

Những em nhỏ vui mừng được mẹ đưa ra chợ mua quần áo mới...

Những em nhỏ vui mừng được mẹ đưa ra chợ mua quần áo mới...

... và thử giày dép.

... và thử giày dép.

Trong số hàng trăm người bán, hàng nghìn người mua, có điều đặc biệt ở phiên chợ Cò là những dãy bán mía thờ. Anh Nguyễn Văn Luân, người dân thôn Sổ Tơi, xã Yên Trung, bán mía tại chợ Cò (xã Yên Bình) cho biết, trong buổi chợ cuối năm đã bán được hơn 500 cây mía tím. Theo phong tục địa phương, ngày Tết, các gia đình dù là người Mường, hay người Kinh đều sẽ mua 2 cây mía dựng 2 bên ban thờ gia tiên. “Mía thờ được chọn lựa kỹ, thân thẳng, không bị sâu đục, có cả lá. Nếu có các mắt đang nhú mầm thì càng tốt. Cây mía thờ đẹp sẽ có giá 20 nghìn đồng”, anh Luân cho biết.

Người dân Yên Bình thu hoạch vụ hoa Tết.

Người dân Yên Bình thu hoạch vụ hoa Tết.

Người dân khắp nơi trong vùng đến Yên Bình ra tận ruộng để mua hoa.

Người dân khắp nơi trong vùng đến Yên Bình ra tận ruộng để mua hoa.

Hoa tươi bày bán rất nhiều tại chợ Cò.

Hoa tươi bày bán rất nhiều tại chợ Cò.

Năm 2023 đã qua - đây là một năm nhiều khó khăn đối với người dân cả nước nói chung, trong đó có người dân Yên Bình nhưng các hộ dân không ngừng nỗ lực, cố gắng ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Chị Nguyễn Thị Hoa vừa cắt hoa tươi dưới ruộng bán cho người dân sắm Tết ngay cạnh chợ Cò, vừa chia sẻ: "Nhà tôi có 3 sào trồng hơn 30.000 cây hoa cúc và dơn. Tôi đã cắt bán từ rằm tháng Chạp đến Tết là vừa hết. Năm nay, kinh tế khó khăn, sức mua giảm nên tôi chỉ bán được 3.000 đồng/bông cúc và 7.000 đồng/bông dơn. So với trồng ngô, trồng khoai trước đây thì cây hoa giá trị vẫn cao hơn".

Bên cạnh đặc trưng của phiên chợ Tết, người dân Yên Bình bao đời nay vẫn giữ gìn nếp văn hóa trong “ăn” và “chơi” Tết. Chị Nguyễn Thị Hiền, ở thôn 2, xã Yên Bình cho biết, Tết ở Yên Bình cả người Mường, hay người Kinh đều gói bánh chưng, bánh tét. Ngoài ra, một số hộ còn làm thêm bánh rợm, chè lam, một số món ăn đặc trưng như thịt lợn chua của người Mường.

Tết về, người dân Yên Bình làm nhiều món ăn đặc trưng của người vùng cao, như bánh chưng, thịt chua...

Tết về, người dân Yên Bình làm nhiều món ăn đặc trưng của người vùng cao, như bánh chưng, thịt chua...

Năm nay, bà con ăn đụng rất nhiều. Thường các gia đình, các xóm sẽ ăn đụng lợn hoặc trâu. Nhiều người dân địa phương cho biết, năm 2023, kinh tế khó khăn hơn so với các năm trước nhưng tình đoàn kết lại nhân lên. Việc ăn đụng giảm chi phí so với mua thịt ở chợ, hơn nữa, lại hỗ trợ cho các gia đình nuôi lợn, nuôi trâu khi tiêu thụ sản phẩm tại chỗ. Việc ăn đụng cũng giúp tình làng nghĩa xóm ở các ngõ xóm nhân lên. Chính vì vậy, các ngõ tổ chức ăn đụng rất nhiều.

Người dân Yên Bình duy trì nếp biếu Tết bố mẹ. Từ 20 tháng Chạp đến ngày 30 Tết, các con đã ra ở riêng sẽ mang tới nhà bố mẹ vài cân thịt, vài con gà hoặc cá, có người biếu thêm cái giò để bố mẹ ăn Tết. Tục này có từ ngày xưa và đến nay vẫn duy trì. Từ mùng 1 đầu năm, các gia đình tổ chức chúc Tết người thân, họ hàng.

Người dân Yên Bình đi chơi, chúc Tết người thân, họ hàng...

Người dân Yên Bình đi chơi, chúc Tết người thân, họ hàng...

Không khí ngày đầu năm mới náo nức ở xã vùng cao Yên Bình.

Không khí ngày đầu năm mới náo nức ở xã vùng cao Yên Bình.

Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình Đoàn Thị Thịnh cho biết, để phục vụ nhân dân, trong suốt những ngày Tết, xã tổ chức rất nhiều hoạt động. Đáng chú ý, ngày mùng 4 Tết, xã tổ chức Lễ mừng thọ cho các cụ tuổi tròn. Tết này, cả xã có 95 cụ được “đăng thọ”, trong đó có 1 cụ tròn 100 tuổi. Yên Bình là xã có đông người dân tộc Mường sinh sống nên người dân giữ phong tục đánh cồng chiêng trong ngày Tết. Từ trước Tết Nguyên đán, 12 câu lạc bộ cồng chiêng trên địa bàn xã đã tổ chức họp, luyện tập để biểu diễn tại nhà văn hóa các thôn vào ngày mừng thọ các cụ. Trong các ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, thời tiết ở vùng cao Hà Nội ấm áp, nắng đẹp, các thành viên trong câu lạc bộ văn nghệ tích cực luyện tập các tiết mục để kịp biểu diễn mừng thọ các cụ cao tuổi...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phong-tuc-dep-nhung-ngay-xuan-o-yen-binh-658153.html